Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu AI của Hoa Kỳ

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là công nghệ quan trọng nhất trong Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, có thể tạo ra những thay đổi trong trật tự toàn cầu.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là công nghệ quan trọng nhất trong Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, có thể tạo ra những thay đổi trong trật tự toàn cầu.

ai.jpeg

Một số cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước EU đã ban hành và xây dựng các chiến lược dài hạn thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI.

Để củng cố vị thế lãnh đạo thế giới về công nghệ AI cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng và ứng dụng các hệ thống AI tin cậy phục vụ các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua “Đạo luật Sáng kiến AI quốc gia năm 2020” (National AI Initiative Act of 2020). Thực hiện đạo luật nêu trên, Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng đã phối hợp với Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) thành lập “Đội đặc nhiệm” (Task Force) về “Nguồn tài nguyên nghiên cứu AI quốc gia” (NAIRR) vào cuối tháng 6/2021.

Đội đặc nhiệm NAIRR này bao gồm 12 chuyên gia hàng đầu về AI của Hoa Kỳ, đại diện cho các cơ quan chính phủ cũng như các cơ quan học thuật và các tổ chức tư nhân, có chức năng như “Ủy ban tư vấn liên bang” với nhiệm vụ nghiên cứu và xác định lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu AI quốc gia để có thể chia sẻ và mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết cho hoạt động R&D về AI của Hoa Kỳ.

Cơ sở hình thành lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu AI quốc gia

Mới đây, ngày 26/01/2023, Văn phòng OSTP đã tổ chức công bố báo cáo cuối cùng của Đội đặc nhiệm về NAIRR “Củng cố và dân chủ hóa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI của Hoa Kỳ: Kế hoạch triển khai nguồn tài nguyên nghiên cứu AI quốc gia”. Đây cũng chính là lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia cho R&D về AI nhằm tối đa hóa lợi ích của AI, dự kiến khởi xướng từ năm 2023. Đồng thời, lộ trình cũng đảm bảo rằng các hệ thống do AI điều khiển không gây hại cho các quyền hoặc quyền tự do của người dân cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ quan trọng này.

Phần lớn các nghiên cứu AI ngày nay tại Hoa Kỳ đều dựa vào quyền truy cập khối lượng dữ liệu rất lớn và sức mạnh máy tính điện toán tiên tiến. Điều kiện nghiên cứu như vậy thường gây cản trở, khó khăn cho những người làm việc tại các công ty công nghệ, cơ sở nghiên cứu và trường đại học không được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại. Chính sự phân chia quyền truy cập như trên sẽ gián tiếp giới hạn phạm vi các ý tưởng được tích hợp vào đổi mới sáng tạo AI, góp phần tạo ra các thành kiến và sự bất bình đẳng mang tính hệ thống khác được tìm thấy trong các hệ thống R&D về AI ngày nay tại Hoa Kỳ.

Do vậy, để khắc phục tình trạng bất bình đẳng này, Hoa Kỳ đã thiết lập lộ trình xây dựng các nguồn tài nguyên nghiên cứu AI quốc gia để tạo ra một cơ sở hạ tầng nghiên cứu AI dùng chung trên toàn quốc và sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu, giáo viên và sinh viên trong lĩnh vực AI quyền truy cập mở rộng đáng kể vào các nguồn tài nguyên tính toán hiệu suất cao, dữ liệu chất lượng cao, công cụ giáo dục và thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động R&D về AI.

Các khuyến nghị cho lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu AI quốc gia

Báo cáo NAIRR giúp mở rộng phạm vi các nhà nghiên cứu tham gia vào R&D về AI, phát triển và đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận cũng như ứng dụng của công nghệ AI. Vì thế, báo cáo NAIRR sẽ giúp giải quyết các vấn đề quốc gia, xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ sinh thái nghiên cứu AI quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách củng cố và dân chủ hóa hoạt động R&D về AI trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo báo cáo NAIRR, trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc kết hợp tính đa dạng và khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên R&D về AI để tạo ra các công nghệ mới cũng như các nỗ lực dân chủ hóa quyền truy cập vào công nghệ mới nổi. Điều đó đảm bảo sự bình đẳng trong sử dụng các hệ thống máy học, kết nối cộng đồng nghiên cứu AI của Hoa Kỳ với dữ liệu lớn, siêu điện toán trong xử lý tính toán phức tạp và nguồn năng lực thử nghiệm một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI thông qua giao diện thân thiện với người dùng cũng như hỗ trợ người dùng và hoạt động đào tạo liên quan.

Đặc biệt, phần nội dung chính của báo cáo NAIRR đã luận giải và đưa ra các khuyến nghị khả thi đối với một số vấn đề cốt lõi về NAIRR, cụ thể như sau:

- NAIRR nên được thiết lập với 4 mục tiêu có thể đo lường được như: (1) thúc đẩy đổi mới sáng tạo AI, (2) tăng cường sự đa dạng nhân tài về AI, (3) nâng cao năng lực nghiên cứu AI và (4) nâng cao các hệ thống AI đáng tin cậy;

- Việc quản lý và điều hành NAIRR nên tuân theo mô hình hợp tác quản lý, theo đó duy nhất một cơ quan liên bang sẽ đóng vai trò là cơ quan chủ trì quản trị các hoạt động của NAIRR, đó là NSF và một “Ban chỉ đạo” bao gồm thủ trưởng các cơ quan liên bang có chức năng tài trợ trong nghiên cứu AI và quyết định về định hướng chiến lược của NAIRR;

- NAIRR sẽ cung cấp quyền truy cập cho người sử dụng tới một cơ sở hạ tầng nghiên cứu đã được liên kết hài hòa giữa các nguồn tài nguyên dữ liệu và tính toán, giữa các cơ sở thử nghiệm, phần mềm và công cụ kiểm tra cũng như các dịch vụ hỗ trợ người dùng thông qua một cổng thông tin tích hợp;

- NAIRR phải được tiếp cận rộng rãi với người sử dụng, mở rộng phạm vi các nhà nghiên cứu tham gia vào R&D về AI, cung cấp một nền tảng sử dụng cho các hoạt động giáo dục và giảm thiểu các rào cản tham gia vào hệ sinh thái nghiên cứu AI;

- NAIRR nên thiết lập tiêu chuẩn trách nhiệm trong nghiên cứu AI thông qua thiết kế và triển khai các quy trình quản trị AI;

- NAIRR nên thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh hệ thống theo các nguyên tắc đã được thiết lập;

- NAIRR sẽ tạo ra các tác động rất lớn và sâu rộng, cho phép nhà nghiên cứu AI có thể giải quyết các vấn đề từ nhiệm vụ thông thường đến thách thức toàn cầu.

- Kế hoạch triển khai xây dựng NAIRR dự kiến thực hiện trong 04 giai đoạn, bắt đầu ngay sau khi công bố báo cáo này.

- Tổng kinh phí dự toán thực hiện lộ trình xây dựng NAIRR khoảng 2,6 tỷ USD, cần được đầu tư từ ngân sách liên bang trong thời gian 06 năm và theo từng giai đoạn thực hiện.

Kết luận

Nhìn chung, cộng đồng các nhà khoa học về AI của Hoa Kỳ đều đánh giá cao việc công bố kế hoạch triển khai này. Bởi vì, NAIRR sẽ giúp giảm bớt các rào cản khi tham gia hoạt động R&D và giáo dục AI, đồng thời giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận các công cụ nghiên cứu AI cốt lõi một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn.

Đặc biệt, lộ trình xây dựng và mô hình quản lý NAIRR của Hoa Kỳ có thể được nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đã nêu trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, ban hành tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng có thể là nguồn thông tin để các Bộ, ngành tham khảo, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu cho công nghệ AI của Việt Nam và xây dựng kế hoạch hợp tác song phương về công nghệ AI với Hoa Kỳ trong những năm tới./.

Liên kết nguồn tin: https://ictvietnam.vn/lo-trinh-xay-dung-co-so-ha-tang-nghien-cuu-ai-cua-hoa-ky-56705.html

Bài viết liên quan

Website Liên kết