Thứ Năm, 25 Tháng Tư 2024

Tầm quan trọng của đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với doanh nghiệp tại Việt Nam

Ngày nay ở các nước phát triển, đánh giá công nghệ nói chung và đánh giá năng lực đổi mới công nghệ nói riêng là bước không thể thiếu phục vụ cho phân tích tính hiệu quả trong các quyết sách đổi mới sản phẩm và công nghệ chế tạo ra sản phẩm, trong chính sách kinh doanh, trong lựa chọn địa điểm đầu tư, v.v.

Ngày nay ở các nước phát triển, đánh giá công nghệ nói chung và đánh giá năng lực đổi mới công nghệ nói riêng là bước không thể thiếu phục vụ cho phân tích tính hiệu quả trong các quyết sách đổi mới sản phẩm và công nghệ chế tạo ra sản phẩm, trong chính sách kinh doanh, trong lựa chọn địa điểm đầu tư, v.v. Điểm mấu chốt của đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ là làm sao đo lường và lượng hóa được năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp, ngành hay quốc gia dựa trên các tiêu chí đánh giá, để từ đó nêu bật được mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục và những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung và tăng cường. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngay từ cấp vi mô là doanh nghiệp thì vấn đề đánh giá năng lực đổi mới công nghệ vẫn tồn tại nhiều câu hỏi và khó khăn chưa được giải quyết thỏa đáng về mặt chính sách, hệ thống pháp luật và các cơ quan thực thi. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu lý luận về  tầm quan trọng của đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với doanh nghiệp tại Việt Nam.

1. Mở đầu:

Đối với các doanh nghiệp, cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt đặc biệt là cạnh tranh về công nghệ. Vì vậy các doanh nghiệp đã liên tục phải cải tiến, đổi mới công nghệ để có thể tồn tại và phát triển. Do đó trong giai đoạn hiện nay việc đổi mới công nghệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính cấp thiết của các doanh nghiệp, ngành, địa phương và cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực công nghệ quyết định sự thành công của đổi mới công nghệ. Mặt khác trong mối quan hệ giữa đổi mới công nghệ và năng lực đổi mới công ghệ thì đổi mới công nghệ là mục tiêu, năng lực đổi mới là phương tiện để thực hiện mục tiêu. Để phục vụ cho yêu cầu về đổi mới công nghệ, việc xây dựng hệ thống tiêu chí để có công cụ đánh giá, giúp cho việc điều chỉnh, bổ sung và nâng cao năng lực đổi mới phục vụ cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tạo động lực cho phát triển là rất cần thiết.  

Ở Việt Nam, đánh giá công nghệ được xem xét từ những năm 70 và năm 1978, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) đã ban hành hệ thống gồm 30 chỉ tiêu đặc trưng cho trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp. Nhưng hoạt động này ít được quan tâm thực hiện. Từ năm 2000 trở lại đây, một số tổ chức KH&CN đã áp dụng phương pháp và tiêu chí của một số tổ chức quốc tế, chủ yếu là phương pháp của Trung tâm Chuyển giao công nghệ châu Á - Thái Bình Dương (APCTT) vào hoạt động đánh giá trình độ, hiện trạng công nghệ tại một số địa phương như: Đồng Nai, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh…Đánh giá công nghệ bao gồm nhiều hoạt động đánh giá khác nhau từ mức chung là đánh giá tỷ lệ đổi mới công nghệ, thiết bị đến đánh giá về trình độ công nghệ, đánh giá về năng lực công nghệ và đến mức sâu nhất là xây dựng bản đồ công nghệ. Trong giai đoạn 2014-2018, việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp đã được thực hiện theo Thông tư 04/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 8/4/2014 về việc hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.

2. Thực trạng các phương pháp đánh giá công nghệ được sử dụng tại Việt Nam

Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình và phương pháp tiếp cận trong việc đánh giá năng lực công nghệ đã được sử dụng. Đây cũng là các mô hình và phương pháp tiếp cận trong việc đánh giá năng lực công nghệ phổ biến trên thế giới, bao gồm: mô hình và phương pháp tiếp cận theo Atlas công nghệ do APCTT (trung tâm chuyển  giao công nghệ châu Á – Thái Bình Dương) xây dựng (1986); mô hình và phương pháp tiếp cận theo đầu vào đầu ra của quy trình (input, output) đã được OECD (1970) và UNESCO (1978) sử dụng; ); mô hình và phương pháp tiếp cận theo quan điểm quản trị chiến lược (Sharif, 1995) được WB sử dụng. Một số nghiên cứu về đánh giá năng lực công nghệ trên thế giới như nghiên cứu và đánh giá trong các ngành của Nigeria (ICT năm 2009, chế tạo kim loại năm 2013, Iran (sản xuất ô tô năm 2013), Hàn Quốc (ngành năng lượng năm 2015) cũng như được thể hiện như hình vẽ sau:

 

Hình 1. Các nghiên cứu đánh giá công nghệ được thực hiện trên thế giới

Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu cũng tiến hành nghiên cứu thực trạng áp dụng các phương pháp đánh giá năng lực công nghệ đã được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam đặc biệt là việc áp dụng đánh giá trình độ công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp được thực hiện theo Thông tư 04/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 8/4/2014 về việc hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất. Cụ thể hệ thống đánh giá công nghệ tại Việt Nam như sau:

Hình 2. Hệ thống đánh giá công nghệ được thực hiện tại Việt Nam

Để đánh giá về đối tượng doanh nghiệp thì trong hệ thống đánh giá công nghệ, đánh giá năng lực công nghệ là một mức đánh giá sâu hơn của trình độ công nghệ, như biểu thị trong sơ đồ dưới đây:

Hình 3. Hệ thống đánh giá công nghệ theo quy mô của doanh nghiệp

Khi đó, khi xét trên mức độ đánh giá công nghệ thì tùy thuộc vào từng mức độ đánh giá mà

Hình 4. Hệ thống đánh giá công nghệ theo mức độ chuyên sâu

Đối với việc đánh giá năng lực công nghệ cần được thực hiện thông qua việc đánh giá các thành phần của năng lực công nghệ, đánh giá khả năng tổ chức, khai thác những công nghệ hiện có một cách có hiệu quả và khả năng đối phó được với những thay đổi lớn về công nghệ (thực hiện đổi mới công nghệ thành công hay phát triển công nghệ nội sinh). Năng lực công nghệ bao gồm năng lực bên trong (năng lực vận hành, tiếp nhận, thích nghi, làm chủ và đổi mới sáng tạo công nghệ) và năng lực bên ngoài (năng lực đầu tư, liên kết).

2. Tầm quan trọng của đánh giá trình độ và năng lực công nghệ

Việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng đối với các cơ quan quản lý của nhà nước cũng như đối với doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

* Đối với doanh nghiệp

Đối với nội dung đánh giá năng lực công nghệ (mức chung) giúp doanh nghiệp biết được số lượng, chủng loại, mức độ hiện đại, khả năng khai thác của các công nghệ chính đang được sử dụng trong ngành, lĩnh vực; Biết được doanh nghiệp đang có những công nghệ gì, năng lực công nghệ của doanh nghiệp đang ở mức độ nào, để nâng cao năng lực thì cần đầu tư vào cái gì; Biết được tổng quan năng lực công nghệ của ngành và các yếu tố tác động; Doanh nghiệp khai thác công nghệ ntn? Đã hiệu quả hay chưa?

Đối với việc xây dựng bản đồ công nghệ (mức sâu) của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp biết các công nghệ mới và tiên tiến hơn các công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng là công nghệ gì? Ở đâu? Đâu là các công nghệ quan trọng và các công nghê sẽ hỗ trợ̣ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai; Xu hướng phát triển các công nghệ mới và sản phẩm mới trong thời gian tới; Các viện, trường có năng lực công nghệ có khả năng hợp tác ở Việt Nam.

* Đối với cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương

Đối với nội dung đánh giá năng lực công nghệ (mức chung) giúp cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương biết được tỷ lệ % số lượng công nghệ mà các doanh nghiệp trong nước đang sở hữu, tỷ lệ % số lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất; Biết được năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực; Biết được tổng quan năng lực công nghệ của ngành và các yếu tố tác động.

Đối với nội dung xây dựng bản đồ công nghệ (mức sâu) giúp cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương biết được thị trường và phân khúc thị trường của các sản phẩm, Giá trị xuất, nhập khẩu Tốc độ tăng trưởng và tình hình cạnh tranh; Số lượng, chủng loại công nghệ, khoảng cách công nghệ so với thế giới; Yêu cầu công nghệ đối với các loại sản phẩm; Những công nghệ nào là quan trọng để phát triển sản phẩm; Các công nghệ cần ưu tiên đầu tư phát triển và các chương trình R&D; Các doanh nghiệp, viện trường có năng lực công nghệ cao nhất ở Việt Nam.

Do đó, việc đánh giá năng lực công nghệ của doanh nghiệp và quốc gia có thể chia ra thành 04 mức độ:

Mức thấp nhất đối với doanh nghiệp là vận hành và khai thác công nghệ một cách hiệu quả, nó đòi hỏi những kỹ năng sản xuất cơ bản, kỹ năng cung ứng bảo hành, quản lý chất lượng, phát hiện và xử lý sai hỏng và sự cố. Đối với năng lực quốc gia, đây là giai đoạn sản xuất những quy trình công nghệ ở mức thấp, các thiết bị, vật tư đặc chủng đầu vào, dịch vụ kỹ thuật phải nhập khẩu

Mức trung gian đối với doanh nghiệp đòi hỏi kỹ năng sao chép, lặp lại, nó bao gồm năng lực đầu tư cần thiết để mở rộng qui mô, tăng dung lượng và có thể mua và tích hợp các công nghệ nước ngoài. Đối với năng lực quốc gia, bắt đầu các hoạt động thay thế nhập khẩu bằng các máy móc và thiết bị nội địa (mua quyền sử dụng cho nội địa), năng lực công nghệ sản xuất trong nước bắt đầu phát triển

Mức độ tiếp theo đối với doanh nghiệp là các kỹ năng cải tiến, thích nghi công nghệ nhập khẩu và kỹ năng thiết kế các công nghệ phức tạp hơn qua quá trình học hỏi công nghệ. Đối với năng lực quốc gia, bắt đầu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nguyên gốc để đổi lại mục tiêu thay thế nhập khẩu. Tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có qui trình chế tạo phức tạp hơn. Triển khai các dịch vụ kỹ thuật trong nước.

Mức độ cao nhất đối với doanh nghiệp gắn với kỹ năng sáng tạo công nghệ dựa trên cơ sở R&D để có thể theo kịp các tiến bộ công nghệ và tạo ra những công nghệ mới. Đối với năng lực quốc gia, tiến hành đa dạng hóa chủng loại hàng hóa và độ phức tạp với qui trình chủ động. Xuất khẩu các dịch vụ công nghệ thiết kế và dịch vụ.

Thông qua phân tích trên đã cho thấy hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay trước áp lực đổi mới công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, ngày 10/12/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất (Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN). Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đồng thời ký phê duyệt Quyết định số 607/QĐ-BKHCN ngày 11/3/2020 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất. Đây sẽ là cơ sở cho hoạt động đánh giá năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam cũng như phục vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động đánh giá năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN cũng được sử dụng trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, các quỹ và tổ chức tín dụng cần thực hiện việc đánh giá năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.

4. Kết luận

Nghiên cứu đã làm rõ thực trạng hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ tại Việt Nam và tầm quan trọng của đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với doanh nghiệp tại Việt Nam. Với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, là cơ sở cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Với việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá năng lực công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp để từ đó xây dựng các kế hoạch ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp với các mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bài viết liên quan

Website Liên kết