Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Vai trò của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ trên thế giới và sự cần thiết đối với Việt Nam

Vai trò của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ trên thế giới và sự cần thiết đối với Việt Nam

Một số định nghĩa về lộ trình công nghệ:

-          Lộ trình công nghệ là bản kế hoạch thể hiện diễn biến thay đổi và định hướng phát triển trong tương lai của đối tượng công nghệ đang xem xét để đạt các mục tiêu được xác định trong trung và dài hạn.

-          Lộ trình công nghệ là bản kế hoạch với các giải pháp công nghệ cụ thể để phát triển sản phẩm, công nghệ mới nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Sự xuất hiện đầu tiên của lộ trình công nghệ (Technology Roadmap –TRM) vào những năm 1980 thuần túy được sử dụng để cung cấp các dự báo về công nghệ và đổi mới. Sau đó lộ trình công nghệ được sử dụng như một công cụ lập kế hoạch để phối hợp thực hiện việc đổi mới công nghệ trong một công ty hoặc giữa các doanh nghiệp trong một ngành công nghiệp. Hiện nay, lộ trình công nghệ đã nổi lên như một công cụ hội nhập đầy sức mạnh để cải tiến chất lượng công nghệ kết hợp hài hòa với các hoạt động khác, một bản lộ trình công nghệ tốt có thể thực hiện được các chức năng quản lý công nghệ tổng hợp hơn .Nhiệm vụ lộ trình công nghệ là đánh giá các cơ hội kinh doanh tăng lên từ sự phát triển của các công nghệ, vì thế các bản lộ trình công nghệ giúp các công ty nhận dạng được các cơ hội mới, nhìn nhận tri thức của mình và các ý tưởng trong cộng đồng, khuyến khích các quyết định công nghệ, phát triển hiệu quả chiến lược công nghệ, nhận dạng chỗ đứng của công nghệ một chu kỳ kinh doanh, giúp doanh nghiệp có thể đầu tư đổi mới công nghệ một cách hiệu quả.

 

 

 
 

Mô hình xây dựng lộ trình công nghệ điển hình (Chuyển hết sang tiếng Việt)

Lộ trình công nghệ có thể có nhiều dạng nhưng nói chung lộ trình công nghệ bao gồm nhiều lớp biểu đồ có trục thời gian biểu thị cho các công nghệ có khả năng phát triển và sự liên kết của các công nghệ đó với xu hướng và định hướng thị trường.

Khi giải thích về bối cảnh xuất hiện và sự cần thiết phải sử dụng phương pháp lộ trình công nghệ, người ta thường nhấn mạnh một số khía cạnh sau:

  • Do sức ép cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, sản phẩm ngày càng phức tạp, phải đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng, vòng đời sản phẩm ngày càng rút ngắn…
  • Nhìn từ góc độ công nghệ mới thay đổi nhanh, phải đầu tư lớn, muốn xây dựng được một kế hoạch đổi mới, phát triển công nghệ thật sự có hiệu quả phải biết được nhu cầu của công nghiệp, nhu cầu thị trường.Hay nói cách khác, lộ trình công nghệ là công cụ hữu hiệu để gắn kết giữa kế hoạch công nghệ với kế hoạch kinh doanh.
  • Khi nào xây dựng lộ trình công nghệ? Cũng theo giải thích của chuyên gia về lộ trình công nghệ, việc áp dụng cách tiếp cận/phương pháp lộ trình công nghệ chỉ thật sự trở thành “bức xúc” hoặc quan trọng khi người/cơ quan/ tổ chức có thẩm quyền ra quyết định về lựa chọn các phương pháp đầu tư cho đổi mới công nghệ còn thiếu các thông tin quan trọng như:
  • Không rõ đi theo hướng công nghệ nào?
  • Vào thời điểm nào thì có các công nghệ mong muốn
  • Cần hợp tác với ai để có thể cùng phát triển các công nghệ đa chức năng nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp.

Xây dựng lộ trình công nghệ (technology mapping) là một quá trình thực hiện để đưa ra một lộ trình công nghệ, vừa là sự học hỏi kinh nghiệm vừa là công cụ giao tiếp giữa các bên tham gia xây dựng lộ trình công nghệ.Xây dựng lộ trình công nghệ đòi hỏi sự nhận dạng giữa các đầu mối và sự liên kết từ nhu cầu thị trường, nhu cầu về sản phẩm, nhu cầu công nghệ đến các nhu cầu nghiên cứu.

Phạm vi ứng dụng của lộ trình công nghệ

Motorola, Lucent Technologies, Philips, BP, Samsung, LG, Rockwell, Roche and Domino Printing, là những tập đoàn hàng đầu thế giới đã xây dựng lộ trình công nghệ như một phần trong định hướng đổi mới của mình. Họ đã xác định lộ trình công nghệ là cơ sở cho các hoạt động quản lý và lập kế hoạch công nghệ

80% doanh nghiệp Nhật Bản có lộ trình công nghệ riêng của mình cho khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Trong năm 2002, đã có hơn 50% doanh nghiệp sản xuất ở Hàn Quốc đã áp dụng và triển khai xây dựng lộ trình công nghệ.

Các chính phủ đã quan tâm đến và sử dụng TRM trong việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp cạnh tranh và thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, với sự quan tâm ngày càng tăng trong việc phát triển các công nghệ mới và mới nổi. Công cụ TRM đã được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp trong đó có sự tham gia của các chính phủ, ví dụ như Lộ trình công nghệ xe  ở Anh, Công nghiệp Canada.

Theo thống kê và tổng hợp của các chuyên gia, việc triển khai ứng dụng lộ trình công nghệ đã được phát triển qua hai giai đoạn và đang dần chuyển sang giai đoạn 3.

-          Giai đoạn thứ nhất: Các phương pháp chủ yếu tập trung vào việc dự báo công nghệ rõ ràng và chính xác

-          Giai đoạn thứ hai : Các phương pháp tập trung vào việc hỗ trợ cho quá trình ra quyết định về kế hoạch, chiến lược phát triển công nghệ và sản phẩm mới

-          Giai đoạn thứ ba: Các phương pháp tập trung vào kế hoạch phát triển công nghệ tích hợp (ví dụ công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới) ở quy mô quốc gia.

Hiện đã có một sự thay đổi rõ rệt từ các ngành công nghiệp tham chiếu đến chính sách công; TRM đang diễn ra như là một phần trong quá trình định hướng cho các mục tiêu xã hội. Các chính phủ ngày càng sử dụng phương pháp tiếp cận TRM trong công nghệ và đã triên khai xây dựng hơn 2000 lộ trình công nghệ từ quy mô ngành trở lên được xây dựng trong các lĩnh vực khác nhau trong khoảng 15 năm vừa qua.

 

untitled2.JPG

 

Năm 2002, Hàn quốc đã xây dựng Lộ trình công nghệ quốc gia (National Technology Roadmap – NTRM) cho chiến lược phát triển quốc gia và tăng trưởng kinh tế đến năm 2012, áp dụng phương pháp top-down và định hướng theo tầm nhìn trong việc xcs định các công nghệ chủ chốt. Với ý tưởng “nhiệm vụ quốc gia – chiến lược thực hiện – công nghệ chủ chốt”, 13 định hướng phát triển S&T đã được xác định. Kèm theo đó là 49 chiến lược phát triển sản phẩm và 99 công nghệ chủ chốt được đề xuất và kế hoạch R&D trên quy mô toàn quốc. NTRM của Hàn quốc bao gồm cả lộ trình vĩ mô cho chiến lược phát triển sản phẩm và lộ trình chi tiết cho các công nghệ chủ chốt đã lựa chọn.

Bản đồ công nghệ chiến lược ( STR) của Nhật là một dạng khác của lộ trình công nghệ quốc gia., được xây dựng để xác định mục tiêu công nghệ để phát triển ngành công nghiệp mới, và chiến lược để tạo ra nhu cầu cho sản phẩm và dịch vụ. Trong tháng 3/2005, METI đã công bố STR lần đầu tiên. Bản STR này được cập nhật hàng năm. Bản STR mới nhất là STR 2009. Để thực hiện, METI đã tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu, nhà nghiên cứu trẻ cũng như nghiên cứu viên và kỹ sư đến từ các công ty trong các lĩnh vực công nghệ có liên quan. STR 2009 đã tập hợp được kinh nghiệm và kiến thức của 835 chuyên gia trong các viện, trường, công nghiệp và chính phủ.

Dưới đây là bảng tổng hợp các phương pháp tiếp cận xây dựng lộ trình công nghệ trên thế giới. Có thể thấy rằng, cách tiếp cận về lộ trình công nghệ trên thế giới có sự khác nhau cơ bản giữa các nước phát triển dẫn đầu và các nước đi sau: một là lộ trình công nghệ của các nước dẫn đầu như Nhật, Anh , Mỹ, Đức với mục tiêu duy trì vị trí dẫn đầu hoặc định hướng phát triển công nghệ thế giới; thứ hai là lộ trình công nghệ của các nước đi sau như Hàn quốc, Singapore với mục tiêu đuổi kịp các nước phát triển. Các nước cũng đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn xây dựng lộ trinh công nghệ cho ngành, lĩnh vực như Canada, Anh hoặc có các chương trình hỗ trợ xây dựng lộ trình công nghệ doanh nghiệp NVV như Hàn quốc, Singapore.

untitled3.JPG
Điều kiện để triển khai xây dựng lộ trình công nghệ

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, trước khi xây dựng lộ trình công nghệ, các nước đều tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng và năng lực công nghệ trong ngành công nghiệp cũng như năng lực R&D trong các Viện, trường. Cơ sở dữ liệu về hiện trạng, năng lực công nghệ cũng như khoảng cách công nghệ có thể được xây dựng trước hoặc song song với việc tiến hành triển khai xây dựng lộ trình công nghệ tùy thuộc vào mức độ phát triển của quốc gia đó. Thông thường, các nước phát triển có nhiều cơ sở  dữ liệu khác nhau phân tán trong ngành công nghiệp cũng như cơ quan quản lý nên họ chỉ tiến hành tổng hợp hiện trạng phục vụ mục đích xây dựng lộ trình. Tuy nhiên, với Việt Nam hiện nay, như các bài trình bày trước đã nêu lên, đang thiếu cơ sở dữ liệu bao gồm các thông tin về hiện trạng, khoảng cách công nghệ, năng lực R&D trong nước nên cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu à bản đồ công nghệ. Các nước thường không chia sẻ thông tin cũng như đưa ra các báo cáo về bản đồ công nghệ và hiện trạng công nghệ  vì đây là cơ sở dữ liệu riêng của mỗi nước và không được công khai

Đối với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,.... các dữ liệu từ các nhiệm vụ đánh giá hiện trạng công nghệ sẽ được tập hợp, hệ thống hóa để xây dựng nên bản đồ công nghệ cho từng ngành, lĩnh vực và tập hợp thành bản đồ công nghệ quốc gia, bản đồ công nghệ này sẽ làm cơ sở xây dựng lộ trình công nghệ cho quốc gia, ngành, doanh nghiệp.

Các thông tin trong bản đồ công nghệ: mô tả, phân tích hiện trạng và khả năng sử dụng công nghệ, khoảng cách về công nghệ, mức độ sẵn sàng, mối tương quan giữa các loại công nghệ với yêu cầu phát triển công nghệ; xác định các xu hướng phát triển công nghệ, những công nghệ ưu tiên,...

Kinh nghiệm của Hàn quốc cho thấy , điều tra, đánh giá hiện trạng công nghệ được tiến hành trong giai đoạn đầu để xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành, lĩnh vực. Từ cơ sở dữ liệu đó, lộ trình công nghệ quốc gia được xây dựng và các lộ trình công nghệ ngành, lĩnh vực được triển khai trên cơ sở định hướng của lộ trình công nghệ quốc gia. Hàn quốc cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các lộ trình công nghệ của doanh nghiệp dựa trên các lộ trình công nghệ ngành.

untitled4.JPG

 

Bản đồ công nghệ là bộ tài liệu mô tả, phân tích hiện trạng và khả năng sử dụng công nghệ tại một thời điểm xác định; mới tương quan giữa các loại công nghệ với yêu cầu phát triển công nghệ phù hợp với mục đích sử dụng; xác định các xu hướng phát triển công nghệ, những công nghệ ưu tiên, dự báo nhu cầu công nghệ

Lộ trình đổi mới công nghệ là quá trình xác định mục tiêu, nội dung, trình tự, phương án sử dụng nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong một khoảng thời gian xác định

Sự cần thiết của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam:

Đa số các nước đã tiến hành nghiên cứu và sử dụng phương pháp xây dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ như một trong những công cụ xây dựng chiến lược phát triển công nghệ cho quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Ngoài việc cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn bao trùm và xuyên suốt nhiều ngành công nghiệp, phương pháp xây dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ cũng có thể được sử dụng để xác định các công nghệ then chốt cần thiết cho phát triển công nghiệp (theo quốc gia, ngành và doanh nghiệp). Lợi ích của phương pháp này bao gồm giúp nhận dạng được các cơ hội mới, nhìn nhận tri thức và các ý tưởng trong cộng đồng, khuyến khích các quyết định đầu tư công nghệ, phát triển hiệu quả chiến lược công nghệ, nhận dạng chỗ đứng của công nghệ trong một chu kỳ kinh doanh, giúp doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và quốc gia có thể đầu tư đổi mới công nghệ một cách hiệu quả.

Ở Việt Nam hiện nay, với chủ trương phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ sản xuất và lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, hiệu quả ứng dụng của các hoạt động R&D là một vấn đề quan trọng và cần thu hút trí tuệ quản lý từ các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương. Áp dụng phương pháp luận lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ là một hoạt động mang ý nghĩa thực tiễn cao và có hiệu quả lớn hỗ trợ cho việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển KH&CN cũng như chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực hiện nay.Thêm vào đó, bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệgiúp doanh nghiệp đánh giá được thực trạng công nghệ của mình so với các đối thủ cạnh tranh, có kế hoạch phát triển và đổi mới công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất chất lượng và tính cạnh tranh của doanh nghiệp

Tuy nhiên, để có thể xây dựng thành công Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ một cách hiệu quả cần huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành, thời gian lâu dài, tính thống nhất, bên cạnh đó cần xây dựng hoàn thiện một phương pháp , quy trình thực hiện chung hệ thống cơ sở dữ liệu.

Bài viết liên quan

Website Liên kết