Đổi mới công nghệ đóng góp 35% tăng trưởng trong nông nghiệp

Xây dựng bản đồ công nghệ là một cách tiếp cận phù hợp trong việc đánh giá toàn diện và khách quan hiện trạng, năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cụ thể là chọn tạo và sản xuất giống lúa trong nông nghiệp. Bản đồ công nghệ giúp chúng ta nhận diện rõ, chính xác những vấn đề như Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu, khoảng cách của chúng ta so với các nước ra sao... TS Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã trao đổi cụ thể về vấn đề này:

Doi moi cong nghe dong gop 35% tang truong trong nong nghiep
TS Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

 PV: Xin ông cho biết, vì sao chúng ta cần xây dựng bản đồ công nghệ? Vai trò của bản đồ công nghệ được thể hiện như thế nào?

Ông Tạ Việt Dũng: Bản đồ công nghệ là bộ tài liệu cung cấp nhiều thông tin liên quan đến thị trường, công nghệ và sản phẩm. Do mối liên quan giữa công nghệ, sản phẩm và thị trường không thể tách rời, nên một công nghệ cho ta biết được có thể sản xuất ra những sản phẩm nào và sản phẩm đó chiếm lĩnh được thị trường nào trong rất nhiều phân khúc khác nhau.

Chính vì mối liên kết chặt chẽ đó nên bản đồ công nghệ sẽ cho ta biết các thông tin liên quan đến công nghệ trong một ngành, lĩnh vực chúng ta đang sở hữu. Và công nghệ đó đang sở hữu ở đơn vị nào, doanh nghiệp nào, hay khối viện trường nào… Các thông tin liên quan đến sản phẩm đòi hỏi công nghệ nào để làm ra sản phẩm đó và mỗi sản phẩm có một phân khúc khác nhau và cần có những công nghệ khác nhau.

Ví dụ như ngành sản xuất gốm sứ với sản phẩm cụ thể là một cái ly, Công ty Minh Long đã có thể xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường châu Âu với phân khúc thị trường cao cấp với các tiêu chuẩn khắt khe. Điều này đòi hỏi công ty phải đầu tư nghiên cứu, đổi mới và áp dụng những công nghệ mới hiện đại. Trong khi đó, cùng sản phẩm của các hãng khác không vào được thị trường châu Âu do công nghệ ở thế hệ cũ và lạc hậu hơn. Đó chính là mối liên hệ giữa công nghệ, sản phẩm và thị trường.

Với vai trò mang tính chất định hướng, dẫn dắt các nhà đầu tư vào công nghệ và sản phẩm cho phù hợp với phương thức đó, thì vai trò của bản đồ công nghệ hết sức quan trọng.

PV: Ông có thể cho biết kết quả ban đầu của quá trình nghiên cứu bản đồ công nghệ đã thực hiện được? Tác động trực tiếp của bản đồ công nghệ đối với ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam?

Ông Tạ Việt Dũng: Trong thời gian vừa qua, nhóm nghiên cứu đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, với bản đồ ngành lúa gạo, chúng ta đang phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện tại, việc xây dựng bản đồ công nghệ trong ngành lúa gạo hết sức quan trọng, nhằm cung cấp các thông tin, định hướng các công nghệ trong tương lai. Chúng ta sẽ phải tập trung nghiên cứu để cải thiện được năng suất, chất lượng, cũng như chống lại được loại bệnh, chống chịu hạn, mặn.

Bản đồ công nghệ có ý nghĩa đối với người nông dân. Họ sẽ được hưởng thụ một cách gián tiếp thông qua doanh nghiệp về sản xuất lúa gạo. Bản đồ công nghệ cho chúng ta biết về công nghệ cần đầu tư, tối ưu hóa để quá trình đầu tư giảm thiểu được giá thành công nghệ, tránh đầu tư công nghệ lạc hậu, làm cho lợi nhuận tăng lên. Do vậy, bà con nông dân sẽ được hưởng thụ gián tiếp thông qua bản đồ công nghệ.

PV: Vậy, chúng ta đã có lộ trình đưa bản đồ công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam?

Ông Tạ Việt Dũng: Trong ngành nông nghiệp, đổi mới công nghệ đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua, khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác là lực lượng lao động và quỹ đất ngày một giảm đi, đặc biệt trong ngành sản xuất lúa gạo. Việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa lúa gạo nước ta không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn ở trong top 3 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cần có những chiến lược đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nền nông nghiệp từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị gia tăng cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện toàn bộ các định hướng công nghệ cần phải tập trung nghiên cứu trong thời gian sắp tới và phối hợp với các chuyên gia để nghiên cứu công nghệ nhằm đảm bảo cho ngành lúa gạo phát triển, có những thương hiệu, giống lúa mới, có khả năng cạnh tranh được với các nước xuất khẩu gạo.

Hiện tại đã có các giống lúa được sản xuất theo định hướng của bản đồ công nghệ, đó là các giống lúa chịu hạn, chịu mặn do Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu thích nghi với các điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Các giống lúa này đã được thương mại hóa và đưa vào sản xuất trong năm vừa qua, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Đặc biệt đáp ứng cho bối cảnh biến đổi khí hậu trong thời kỳ vừa qua, khi Việt Nam phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn lớn.

PV: Việc xây dựng bản đồ công nghệ được tiến hành từ năm 2005 và theo lộ trình đến năm 2020 sẽ cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng. Việc triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Việt Dũng: Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy Hàn Quốc xây dựng bản đồ công nghệ mất 20 năm, Trung Quốc mất 15 năm. Tại Việt Nam, các thống kê về khoa học và công nghệ của chúng ta tại các doanh nghiệp còn yếu nên mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự cố gắng của đơn vị chủ trì và ủng hộ của các đơn vị liên quan, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, nên đã rút ngắn được thời gian xây dựng bản đồ công nghệ.

Giai đoạn khó khăn nhất trong xây dựng bản đồ công nghệ là chúng ta phải thống kê được doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực và công nghệ đang sử dụng của doanh nghiệp, các khối viện, trường, từ đó xây dựng được từng hồ sơ công nghệ cho mỗi lĩnh vực.

Theo Báo Đất việt