Một số kết quả hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ nano

Trong thời gian vừa qua, việc tăng cường vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo cũng như người dân, đặc biệt là trong bối cảnh làn sóng công nghệ 4.0 đang tác động ngày càng mạnh mẽ. Cuộc cách mạng này có khả năng hình thành các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nano.

Thị trường toàn cầu cho công nghệ nano được dự kiến sẽ đạt 64,2 tỷ USD năm 2019, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn sắp tới là 19,8%. Ở Việt nam, các nhà khoa học tại một số viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã có một khoảng thời gian khá dài tiếp cận với khoa học nano và công nghệ nano (KHNN & CNNN) trên cả hai bình diện: lý thuyết và thực nghiệm và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê, tổng số Đề tài, Dự án đã được thực hiện và các sản phẩm công nghệ do khối doanh nghiệp tự nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam từ năm 2010 trở lại đây là khoảng hơn 400 công nghệ, tuy nhiên số lượng các công nghệ được thương mại hóa thành công lại không nhiều. Mặt khác, một số công ty thương mại ở trong nước cũng đã nhập khẩu một số sản phẩm CNNN như: phân bón; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm; vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp,... điều này cho thấy thị trường dành cho công nghệ nano tại Việt Nam đang dần hình thành và phát triển. Đây là những tiền đề quan trọng để Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm -  Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đề xuất triển khai Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược đưa ra thị trường”.

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án, 03 công nghệ đã được lựa chọn để hỗ trợ thương mại hóa thông qua hình thức thức hỗ trợ chuyên gia tư vấn:

Công nghệ chế tạo các cấu trúc polime nano ứng dụng y sinh trong hệ dẫn thuốc và cảm biến miễn dịch của Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ được hỗ trợ triển khai tại Công ty cổ phần khoa học công nghệ Melinka Group. Đây là một trong những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y dược mà Việt Nam đã nghiên cứu thành công, có thể giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh ở các phân khúc sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Công nghệ này tạo ra được những viên thuốc có kích thước cực nhỏ, được gắn những chất nhận diện đặc hiệu giúp thuốc tăng đáng kể khả năng hấp thu và hiệu suất vận chuyển. Với kinh nghiệm sản xuất các dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ nano bạc. Trong thời gian tới đơn vị sẽ tập chung để ứng dụng công nghệ chế tạo cấu trúc polime nano để sản xuất dược phẩm.


Ảnh 1: Sản phẩm bút xịt sát khuẩn rửa tay khô

Công nghệ tổng hợp Cu2O nano ứng dụng làm phân bón đa chức năng có khả năng diệt trừ tuyến trùng rễ Meloidogyne sp và nấm bệnh Fusarium solani trên cây Hồ tiêu của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại Công ty TNHH Voi Trắng. Đây là công nghệ giúp giải quyết hiệu quả các loại bệnh phổ biến trên cây hồ tiêu - một trong các sản phẩm chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm, tạo ra hiệu quả kinh tế cao trong khi loại trừ được các ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


Ảnh 2: Phân bón vi lượng – nền hữu cơ

Công nghệ chế tạo các loại polymer dẫn nhiệt bên trong cấu trúc giấy Bucky của Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Khai Khu Công Nghệ Cao - Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được hỗ trợ ứng dụng tại Công ty cổ phần Nano năng lượng và môi trường Neetech. Công nghệ này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và Bộ khoa học & công nghệ trong việc định hướng và đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Công nghệ polymer dẫn nhiệt giúp giải quyết thách lớn nhất trong hệ làm mát của linh kiện điện tử, đó là là khả năng quản lý nhiệt tốt mà không làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của thiết bị, hệ thống. Yêu cầu ngày càng cao về chức năng tích hợp phức tạp trong mạch điện tử cùng với sự đòi hỏi mỏng hơn, nhẹ hơn và hiệu suất làm việc của sản phẩm tăng lên cũng như tốc độ phát triển lớn mạnh của nền công nghiệp bán dẫn toàn cầu dẫn đến kết quả là sự gia tăng nhiệt của các thiết bị, hệ thống vì vậy cần phải làm mát. Do đó, công nghệ polymer dẫn nhiệt có triển vọng và thị trường rất tiềm năng.


Ảnh 3: Ứng dụng tấm dán trong tản nhiệt cho CHIP điện tử

Thực trạng thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy còn có nhiều hạn chế. Đặc biệt phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Do vậy ở góc độ quản lỹ vĩ mô, rất cần có những tác động tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Qua đo thắt chặt mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp với nhà khoa học./.