Thực trạng và xu hướng phát triển của công nghệ chế tạo ô tô và máy nông nghiệp tại Việt Nam

Chế tạo ô tô và máy nông nghiệp là hai trong số các phân ngành cơ khí chế tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp tại Việt Nam. Đối với ngành cơ khí nói chung cũng như hai phân ngành cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp nói riêng đều là những ngành bao hàm số lượng công nghệ lớn, thuộc rất nhiều nhánh với trình độ công nghệ và phạm vi tác động ở nhiều cấp độ. Do đó, nếu không nắm được thông tin về trình độ, năng lực công nghệ của ngành cơ khí trong các ngành sản xuất ở đâu thì chúng ta khó có thể đưa ra được chiến lược phát triển đúng đắn và rất dễ rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải và kém hiệu quả, dẫn đến gia tăng khoảng cách so với khu vực và thế giới cũng như bỏ lỡ các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ngày nay cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là đối với ngành chế tạo ô tô và máy nông nghiệp xuất hiện nhiều xu hướng phát triển mới khiến cho thay đổi về căn bản công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu các xu hướng của của thế giới cũng như tại Việt Nam để làm cơ sở xây dựng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là vô cùng cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng và xu hướng phát triển công nghệ của ngành chế tạo ô tô và máy nông nghiệp tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu xây dựng Bản đồ công nghệ cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp của Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm.

1. Mở đầu:

Ngành Ô tô Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển. Hiện nay, Việt Nam chỉ có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong số 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ ngồi trong nước. Xét trong các thành viên của hiệp hội các nhà sản xuất xe ô tô Việt Nam - VAMA, tiêu thụ xe du lịch đạt 196.949 xe năm 2018, chiếm 69% tổng lượng xe tiêu thụ. Tiêu thụ xe dịch vụ đạt 84.598 chiếc và xe mục đích đặc biệt đạt 7,136 chiếc.

Hiện tại ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu trong nước, còn lại gần 70% phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá trị nhập khẩu hàng tỷ USD máy móc phụ tùng máy nông nghiệp mỗi năm, các máy móc được nhập khẩu xuất hiện ở tất cả các khâu/công đoạn sản xuất nông nghiệp, từ các sản phẩm máy kéo, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch,…

2. Thực trạng công nghệ cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp tại Việt Nam

Để đánh giá công nghệ ngành cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích công nghệ dưới dạng các lớp, theo đó lớp sau là các công nghệ thành phần của lớp liền trước. Tổng số công nghệ được phân tích và xây dựng hồ sơ là 141 công nghệ, chia thành 5 lớp. Các công nghệ của lớp đầu tiên gồm có: Thiết kế; gia công; nhiệt luyện và xử lý bề mặt; lắp ráp; đo kiểm.

Hình 1. Khung cấu trúc của cây công nghệ

Trên cơ sở cây công nghệ đã xây dựng, các hồ sơ công nghệ sơ bộ được nghiên cứu và đánh giá mức độ quan trọng của các công nghệ này trong chế tạo các sản phẩm. Tiếp đó, các công nghệ được xây dựng hồ sơ chi tiết với các tham số kỹ thuật cụ thể, cũng trong giai đoạn này, các thông tin về sáng chế sẽ được rà soát để đánh giá về xu hướng công nghệ và xu hướng sản phẩm trên thế giới. Do đặc thù của ngành sản xuát ô tô và máy nông nghiệp có số chủng loại sản phẩm rất phong phú, mỗi loại sản phẩm lại có các yêu cầu kỹ thuật rất khác nhau, do đó cần phải đánh giá riêng từng nhóm sản phẩm.

  1. Đối với sản phẩm ô tô

Trên cơ sở kết quả khảo sát và tổng hợp số liệu của trên 250 doanh nghiệp cho thấy chủ yếu các doanh nghiệp được tập trung tại Miền Bắc và Miền Nam. Tuy nhiên, khu vực Miền Trung lại là khu vực chính trong sản xuất ô tô và phụ kiện với gần 30 doanh nghiệp lắp ráp và phụ trợ của tập đoàn Trường Hải.

Hình 2. Phân bố của các doanh nghiệp khảo sát và tổng hợp thông tin

   Về loại hình doanh nghiệp, số doanh nghiệp sản xuất ô tô thành phẩm chiếm 10% tổng số doanh nghiệp khảo sát và tổng hợp thông tin, còn lại là các doanh nghiệp phụ trợ.

Hình 3. Loại hình các doanh nghiệp khảo sát và tổng hợp thông tin

   Trong số các doanh nghiệp phụ trợ, có 13% doanh nghiệp sản xuất các chi tiết, cụm chi tiết liên quan tới động cơ. Tuy nhiên đa phần doanh nghiệp chỉ sản xuất các bộ phận truyền động và chi tiết phụ. Số doanh nghiệp sản xuất phụ trợ liên quan tới khung gầm và vỏ chiếm 10% trên tổng số. Phần lớn các doanh nghiệp phụ trợ hiện nay tập trung sản xuất các chi tiết có yêu cầu kỹ thuật đơn giản, phù hợp với nhiều dòng xe khác nhau, như các hệ thống dây, hệ thống điện tử, còi, gương, kính, lốp,…

Hình 4. Loại hình các doanh nghiệp khảo sát và tổng hợp thông tin

Trên cơ sở thông tin từ doanh nghiệp, chuyên gia và phân tích sáng chế liên quan tới công nghệ và sản phẩm, bản đồ công nghệ của lĩnh vực cơ khí ô tô được xây dựng với 195 hồ sơ công nghệ, trong đó có 5 công nghệ lớp 1; 16 công nghệ lớp 2; 46 công nghệ lớp 3;109 công nghệ lớp 4 và 19 công nghệ lớp 5.

Hình 5. Năng lực công nghệ lớp 1, lớp 2 ngành sản xuất ô tô

  1. Đối với sản phẩm máy nông nghiệp

Cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí, trong đó có gần 100 doanh nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn); hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30% (thủy sản khoảng 30%, các loại nông sản khác khoảng 10-20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoản 10%.

Phân tích thống kê kết quả điều tra khảo sát trên 90 doanh nghiệp cho thấy, loại hình doanh nhiệp có vốn nhà nước tỷ lệ thấp nhất, khoảng 7,6%, Công ty cổ phần không có vốn nhà nước và doanh nghiệp tử nhân chiếm khoảng 29,3%, còn lại là các loại hình doanh nghiệp khác.

Hình 6. Loại hình doanh nghiệp của các cơ sở chế tạo

Trang thiết bị chế tạo, đổi mới và ứng dụng công nghệ là cơ sở phản ánh năng lực sản xuất, chất lượng và mẫu mã của sản phẩm được sản xuất và cung ứng của các cơ sở chế tạo. Đổi mới và ứng dụng công nghệ là để thay thế một phần chính hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Đổi mới và ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất hoặc nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường.

Hình 7. Trang thiết bị chế tạo của các cơ sở chế tạo trong nước

Qua kết quả điều tra nhận thấy các doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước còn nhiều trang thiết bị chế tạo trong tình trạng đã cũ (46,5%) và trang thiết bị chế tạo đã lạc hậu là 10,4%%. Trang thiết bị chế tạo hiện đại và tiên tiến mà các cơ sở chế tạo đang có chiếm khoảng 43,1%. Thực tế điều tra cho thấy, mặc dù có 43,1% trang thiết bị chế tạo của các doanh nghiệp chế tạo là tiên tiến, nhưng số trang thiết bị này chủ yếu nhập từ các nước Trung Quốc, Đài Loan nên độ chính xác không cao, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm chế tạo ra chỉ ở mức trung bình, khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Hình 8. Hiện trạng đổi mới và ứng dụng công nghệ

Về đổi mới và ứng dụng công nghệ, các cơ sở có đổi mới công nghệ chiếm khoảng 38,8%, trong số đó chỉ có 8% cơ sở được đổi mới từ việc ứng dụng công nghệ của các tổ chức nghiên cứu khoa học như Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu, còn lại phần lớn (61,2%) các cơ sở chế tạo không có các hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ để phục vụ cho việc chế tạo

Về năng lực thiết kế, chế tạo và lắp ráp. đây là ba trong số các công đoạn quan trọng của hoạt động sản xuất chế tạo các sản phẩm máy và thiết bị nói chung cũng như máy và thiết nông nghiệp nói riêng. Năng lực thiết kế, chế tạo và lắp ráp của các cơ sở đã được điều tra phản ánh khả năng cung cấp và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng (hình 3.58)

Hình 9. Năng lực sản xuất

Về năng lực thiết kế: hơn 50% các doanh nghiệp chế tạo thiết kế sản phẩm bằng thủ công, 42% cơ sở dùng phần mềm thiết kế bản bẻ khóa, và chỉ khoảng 6,8% cơ sở đầu tư mua phần mềm thiết kế chuyên dụng.

Về năng lực chế tạo: Chỉ có 3,4% các doanh nghiệp chế tạo có năng lực chế tạo loạt lớn, loạt vừa là 40,2%, còn lại là đơn chiếc và loạt nhỏ.

Về năng lực lắp ráp: 88,6% lắp ráp thủ công đơn lẻ, còn lại là dây chuyền bán tự động. Không có cơ sở được điều tra khảo sát nào có dây chuyền lắp ráp tự động.

Hiện trạng về trang thiết bị chế tạo, hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ cũng như năng lực thiết kế, chế tạo và lắp ráp của các cơ sở chế tạo đã phản ánh sự yếu kém về khả năng cung cấp các loại máy và thiết bị trong nước hiện nay. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, tập trung vào các nguyên nhân chính sau đây:

- Thiếu nguồn lực (vốn) và lãi suất vay vốn cao nên khó đảm bảo tính khả thi cho đầu tư dài hạn vào lĩnh vực cơ khí chế tạo máy nông nghiệp.

- Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm ưu tiên chỉ phù hợp với các dự án lớn, trong khi các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nông nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ nên khó tiếp cận được các cơ chế ưu đãi của các chính sách nhà nước ban hành.

- Các doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước chưa xác định đúng tầm quan trọng của việc phục vụ nông nghiệp, đầu tư nhỏ giọt, khép kín; chưa quan tâm đúng mức đến nghiên cứu phát triển thị trường (trong nước và khu vực) để có được những liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài có thương hiệu mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

   Về chất lượng sản phẩm chế tạo. Kết quả điều tra cho thấy 50% doanh nghiệp chế tạo theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN. Chỉ có 53,3% doanh nghiệp có quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, 57,6% không có giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Phiếu bảo hành thể hiện cam kết chất lượng sản phẩm cũng như uy tín và dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng của doanh nghiệp chế tạo, tuy nhiên vẫn còn 29,5% cơ sở không có phiếu bảo hành sản phẩm. Từ các kết quả trên cho thấy, nhiều cơ sở chế tạo vẫn còn yếu trong khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng sản xuất của các cơ sở chế tạo trong nước.

2. Xu hướng phát triển của công nghệ cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp tại Việt Nam

a) Đối với sản phẩm ô tô

Một số xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực ô tô trên thế giới, bao gồm:

- Công nghệ cảm biến: Với mục đích tăng khả năng tự động hóa và tối ưu các tính năng hỗ trợ vận hành, các cảm biến đang và sẽ được sử dụng ngày càng đa dạng trên ô tô

- Công nghệ mạng không dây: Mạng không dây có vai trò quyết định tới việc cung ứng bốn loại ứng dụng chính trên ô tô, đó là: dẫn đường, quản lý xe, thanh toán, và an toàn lưu thông. Toàn bộ các ứng dụng hiện nay đều dựa trên việc kết nối dữ liệu giữa xe và hạ tầng mạng, tiêu chuẩn giao tiếp giữa xe với xe hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Với sự phát triển nhanh chóng của các xe thông minh đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công nghệ mạng không dây về tốc độ truyền dẫn, độ tin cậy, độ phủ,…

- Công nghệ điều khiển thông minh: Sự phát triển của công nghệ đã và đang thay đổi mạnh mẽ cách con người tương tác với xe ô tô. Trên các ô tô truyền thống, các thao tác của con người sẽ trực tiếp tác động đến việc vận hành của xe, điều này sẽ dần được thay thế bởi các hệ thống thông minh để tăng hiệu quả và tính an toàn.

- Công nghệ tự hành: Công nghệ tự hành được tích hợp bởi nhiều công nghệ thành phần khác nhau như rada, camera, siêu âm, sóng radio, hệ thống định vị toàn cầu,… để vận hành xe an toàn trên đường.

- Công nghệ pin xe điện: Với sự phát triển theo xu hướng tất yếu sang các dòng ô tô dùng điện, công nghệ sản xuất pin đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Hiện nay, pin Li-Ion đang được dùng phổ biến nhất trên các dòng xe điện nhờ có mật độ tích trữ năng lượng cao và công suất lớn, cho phép phát triển các modun với khối lượng, kích thước nhỏ và giá cạnh tranh. Tuy nhiên, nhược điểm của pin Li-Ion là phát sinh nhiệt độ cao, có thể ảnh hưởng tới sự vận hành, độ an toàn và vòng đời sử dụng nên cần có hệ thống quản lý và giám sát nhiệt độ. Ngoài ra, pin Li-Ion cũng gặp một số vấn đề liên quan tới tái chế và hạ tầng trạm xạc trong quá trình sử dụng. Ngoài pin Li-Ion, xe điện còn có thể sử dụng các loại pin khác như pin Niken (Ni-MH), pin Lithium Sulphur (Li-S), và pin muối nóng chảy (Na-NiCl2). Pin Ni-MH được phát triển mạnh khoảng hai thập kỷ trở lại đây với mục đích dùng cho công nghiệp ô tô.

Hiện tại Việt Nam là một trong 4 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tương đối phát triển nhưng lại là nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất chỉ đạt khoảng 10 - 15% tùy hãng. Trong khi đó các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 70% nhờ có thị trường lớn hơn. Những bộ phận trên xe hơi được làm chủ yếu từ sắt thép trong khi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung sắt thép phục vụ nhu cầu sản xuất. Chính vì vậy xu thế của ngành chế tạo ô tô trong giai đoạn tới vẫn là nâng tỷ trọng sử dụng các sản phẩm trong nước, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho nhiều dòng xe, tập trung phát triển động cơ đốt trong, đặc biệt là các động cơ dùng cho xe buýt, xe tải cỡ nhỏ, hướng tới nội địa hóa hoàn toàn việc sản xuất khung gầm, xắt xi cho các xe tải nhỏ, xe buýt.

b) Đối với sản phẩm máy nông nghiệp

Một số xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực máy nông nghiệp trên thế giới, bao gồm:

- Hệ thống thị giác điện tử: Hệ thống thị giác điện tử bao gồm camera, phần cứng máy tính, các thuật toán phần mềm, và bộ nhớ tương tác với nhau tương tự như hệ thống thị giác của con người để lấy thông tin hình ảnh với mục đích hỗ trợ quá trình ra quyết định hoặc tự động hóa trong một hệ thống. Trong nông nghiệp, đối tượng phân tích có thể là vật nuôi, cây trồng, hoặc máy. Các thông tin liên quan tới đối tượng sẽ được chiết xuất từ hình ảnh và đưa qua phần mềm xử lý để nhận dạng các đặc tính muốn theo dõi như màu sắc, kích thước, sự sinh trưởng, hoạt động,…. Các thông tin này sẽ được chuyển thành các đề xuất hỗ trợ quá trình ra quyết định, hoặc thậm chí trở thành đầu vào cho một hệ thống vận hành tự động.

- Thiết bị bay không người lái: Nông nghiệp chính xác dựa vào thông tin thu được từ các cảm biến và phần mềm phân tích dữ liệu để đạt được hiệu quả canh tác cao nhất. Các nền tảng phổ biến nhất để thu thập dữ liệu là các vệ tinh, máy bay có người lái, máy bay không người lái, máy kéo, và các thiết bị cầm tay.

 - Máy nông nghiệp tự động (robot nông nghiệp): Những tiến bộ trong thiết bị điện tử và máy tính được ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nhiều cách khác nhau. Máy nông nghiệp hiện nay sử dụng cảm biến và máy tính để tối ưu hóa các tính năng. Thế hệ tiếp theo của các loại máy nông nghiệp, ngoài các phần cứng điều khiển và phần mềm, sẽ được trang bị thêm các kênh thông tin để có khả năng vận hành mà không cần sự tham gia của con người.

Trí thông minh nhân tạo (AI): Trí thông minh nhân tạo và các công nghệ có liên quan sẽ tác động ngày càng mạnh tới hoạt động sản xuất nông ngiệp trong thời gian tới [18]. AI có khả năng tạo ra các hệ thống trang trại hoàn toàn tự động, theo dõi 24/7 các thông tin về điều kiện cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng, nhiệt độ, độ ẩm,…Với lượng dữ liệu rất lớn thu được từ hệ thống cảm biến, công nghệ AI không những có khả năng đưa ra các thông tin theo dõi chính xác, mà còn có khả năng dự đoán đầu ra của quá trình sản xuất để giúp người canh tác đưa ra các quyết định hiệu quả nhất.

Đối với Việt Nam, xu thế chung trong thời gian tới là hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo, cải tiến mẫu mã, tính năng sản phẩm. Phấn đấu giành lại phần lớn thị phần trong nước về các loại động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ, động cơ xăng công suất nhỏ, sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về trang bị máy kéo hai bánh đến 30 mã lực, hướng tới sản xuất có hiệu quả máy kéo bốn bánh 45-75 mã lực thay thế nhập khẩu, trên cơ sở đó, từng bước nâng cao khả năng sản xuất máy kéo bốn bánh công suất đến 100 mã lực. Tăng cường nghiên cứu sản xuất các trang thiết bị chế biến lẻ, chế biến sơ nhằm đảm bảo nhu cầu chế biến nông sản tại chỗ và ngành nghề nông thôn, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từng bước xây dựng các cơ sở chế tạo chuyên sâu để tập trung nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của thiết bị chế biến và bảo quản cho mỗi loại sản phẩm nông nghiệp, như: đầu tư sản xuất các dây chuyền chế biến gạo hiện đại công suất 50 tấn giờ để thay thế dần các dây chuyền nhỏ. Cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị kho và silô chứa, bảo quản thóc. Chú trọng thiết bị đa năng sấy gạo và nông sản cỡ trung bình; Chế tạo/cải tạo các dây chuyền chế biến tinh bột sắn công suất lớn, tự động hóa cao, thời gian chế biến rút ngắn tối thiểu; Chế tạo từng phần hệ thống thiết bị trích ly và sấy phun cà phê hòa tan; Chế tạo toàn bộ thiết bị dây chuyền tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa điều công suất lớn, có trình độ tự động hóa cao và sản xuất thiết bị công nghệ phục vụ chế biến sâu các phụ phẩm như dầu, vỏ điều; Cung cấp thiết bị lẻ và phụ tùng nhằm nâng cấp các dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi hiện có. Chỉ sản xuất các dây chuyền quy mô công suất lớn, hiệu quả thu hồi cao, tiết kiệm năng lượng; tự chế tạo được các thiết bị thay thế hoàn toàn thiết bị phân loại hạt bằng màu sắc nhập ngoại.

4. Kết luận

Thông qua nghiên cứu và đánh giá ở trên chúng ta thấy được thực trạng cũng như xu hướng phát triển của công nghệ chế tạo ô tô và máy nông nghiệp tại Việt Nam tại Việt Nam. Nghiên cứu đã cung cấp các thông tin về hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ cũng như phân bố của các cơ sở sản xuất ô tô và máy nông nghiệp trên địa bàn cả nước; năng lực nghiên cứu của các Viện, trường trong ngành sản xuất ô tô và máy nông nghiệp; xu hướng phát triển của công nghệ và thị trường xuất ô tô và máy nông nghiệp tại Việt Nam. Đây là cơ sở tham khảo để định hướng phát triển cho từng địa phương, khu vực, và quốc gia, xác định các công nghệ cần giải mã làm chủ nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.