Tọa đàm “Thực hiện cơ chế tự chủ và giải pháp liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cho các trung tâm ứng dụng vùng ĐBSCL”

Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ XXIV được tổ chức tại An Giang, chiều ngày 20/10/2016, Sở KH&CN An Giang phối hợp cùng với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức Tọa đàm “Thực hiện cơ chế tự chủ và giải pháp liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cho các trung tâm ứng dụng vùng ĐBSCL” để cùng chia sẻ những thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong Vùng, tìm giải pháp tăng cường liên kết hoạt động giữa các Trung tâm.

Tham dự buổi Toạ đàm có bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Trương Kiến Thọ - Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang, về phía các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN có ông Vương Đức Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tổng hợp, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và đại diện lãnh đạo các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Vùng ĐBSCL (Trung tâm) cùng với hơn 60 đại biểu tham dự. Toạ đàm là một trong những hoạt động của chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL năm 2016.

Ảnh: Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trương Kiến Thọ nhấn mạnh: Nhiệm vụ chính của các Trung tâm là làm chủ, nhân rộng và phổ biến các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất một cách hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu này cần phải vượt qua được thách thức rất lớn hiện nay là phải làm gì để các Trung tâm lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, phải tăng cường mối liên kết trong hoạt động và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm trong Vùng. Vậy, các Trung tâm cần phải nắm rõ mình đang ở đâu, thế mạnh là gì, khó khăn và thách thức gì.

Trong phần trình bày các báo cáo tham luận, các diễn giả là đại diện các Trung tâm cũng đã tập trung làm nổi bật bức tranh tổng thể về hoạt động của các Trung tâm trong thời gian gần đây. Tại ĐBSCL, hiện nay có 4 Trung tâm đã hoàn toàn từ chủ, 13 Trung tâm đã xây dựng đề án chuyển đổi theo Nghị định 115. Trong giai đoạn 2011-2015: Tổng cộng 860 hợp đồng dịch vụ được triển khai, 120 công nghệ được chuyển giao với giá trị 56 tỷ đồng. Mức doanh thu dịch vụ năm 2015 cao nhất đạt 13,5 tỷ tại Trung tâm Ứng dụng Tiền Giang. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của cán bộ các Trung tâm nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động. Về cơ sở vật chất, một số Trung tâm chưa được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị không đồng bộ, thiếu các thiết bị chuyên dùng. Hơn nữa, hoạt động của các Trung tâm theo hướng công ích nên thường chi phí cao, lợi nhuận thấp, không đủ để tự trang trải kinh phí theo Nghị định 115. Đặc biệt, các Trung tâm thiếu kinh nghiệm trong việc nhân rộng, phổ biến các kết quả nghiên cứu, thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trong phần trao đổi và thảo luận, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và đại diện các Vụ chức năng có liên quan trong Bộ đã tập trung giải đáp các thắc mắc nhằm tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động, đầu tư tăng cường tiềm lực, thực hiện chuyển đổi theo nghị định 115 (nay là Nghị định 54) cho các Trung tâm cùng với việc đề xuất các giải pháp mang tính định hướng nhằm tăng cường liên kết trong hoạt động giữa các Trung tâm trong Vùng.

Ảnh: Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phát biểu tổng kết buổi Tọa đàm

Tổng kết Tọa đàm, Bà Trần Thị Hồng Lan nhấn mạnh các Trung tâm cần khai thác hiệu quả thế mạnh của Vùng là sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, sản phẩm nông nghiệp, thậm chí là sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, việc thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đang nổi lên là vấn đề rất nóng đối với Vùng ĐBSCL, các Trung tâm không thể đứng ngoài cuộc trong việc này. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đánh giá cao sáng kiến thành lập “Khối Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng ĐBSCL - META” (thành lập và đi vào hoạt động năm 2014) của các Trung tâm. Với chức năng của mình, Cục sẽ tăng cường hỗ trợ để hoạt động theo mô hình liên kết khối của các Trung tâm trong Vùng phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động. Cụ thể, Năm 2017 Cục sẽ triển khai xây dựng Điểm kết nối cung – cầu công nghệ tại Vùng ĐBSCL nhằm hỗ trợ cho hoạt động liên kết và chia sẻ thông tin công nghệ quy mô cấp Vùng. Bên cạnh đó, Cục đề nghị Khối Ứng dụng xây dựng một đến hai dự án lớn để giải quyết các vấn đề công nghệ quy mô Vùng theo hình thức phân công theo chuỗi. Cục sẽ hỗ trợ, hướng dẫn và sẽ thống nhất nội dung với các Trung tâm tại Hội nghị các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào tháng 11 năm nay tại Thái Nguyên.

Nguồn: Văn phòng đại diện khu vực phía Nam - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ