Tư vấn, kết nối trong thị trường khoa học công nghệ

Từ ngày 3 -4 tháng 12 năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tham gia Sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2020” (Ba Ria – Vung Tau Techconnect 2020) do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP Vũng Tàu.

Ngày đăng: 6/12/2020

Sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2020 gồm ba hoạt động chính gồm: Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ và Tư vấn kỹ thuật, giới thiệu, hỗ trợ tham gia chương trình/dự án tại Khu triển lãm; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2020; Hội thảo KH “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”. Hơn 200 đơn vị tham gia là các tổ chức, cá nhân có nguồn cung công nghệ gồm viện, trường, doanh nghiệp, nhà sáng chế không chuyên, các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nghệ và các chuyên gia tư vấn công nghệ.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Hỗ trợ Chuyển giao Công nghệ đã tổ chức kết nối được 11 buổi gặp mặt kết nối giữa 7 đơn vị có nhu cầu công nghệ với 11 đơn vị cung công nghệ. Nội dung các buổi kết nối tập trung vào các lĩnh vực chính như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghiệp 4.0; xử lý chất thải – môi trường; năng lượng – giải pháp tiết kiệm năng lượng…

Ảnh 1. Điểm kết nối cung cầu công nghệ thứ nhất của Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tại sự kiện.

 

Trung tâm xác định được 11 nhu cầu công nghệ đến từ các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoa Mai; Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm; Công ty TNHH TM- DV-SX ca cao Thành Đạt; Công ty TNHH Ngọc Tùng; Công ty TNHH SX & XNK Nón Lá; Công ty Cp Thành Chí; Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam… để kết nối với các nguồn cung công nghệ phù hợp.

Một ví dụ về nhu cầu công nghệ mà các doanh nghiệp đang trăn trở và chia sẻ tại điểm kết nối là: Quy trình xử lý ô nhiễm môi trường và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gà phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, ở hầu hết các nông hộ, một phần phân gia cầm thường được xử lý bằng các biện pháp truyền thống như ủ phân làm chuồng, làm nguyên liệu hầm biogas… Các phương pháp này đa số được áp dụng không đúng quy trình, nhiều khi mang tính chiếu lệ và gây nên những vấn đề về môi trường đáng báo động. Lượng phế thải này phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu carbon và một số nguyên tố khoáng đa, trung, vi lượng. Đây là nguồn nguyên liệu có giá trị cho chế biến các loại phân hữu cơ sinh học chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn. Nhận được nhu cầu này, các cán bộ của Trung tâm đã kết nối với Viện Công nghệ sinh học và Ứng dụng vi sinh miền nam; Công ty Sinh học Phương Nam, Công ty Biotech Hòa Bình đang sở hữu quy trình xử lý ô nhiễm môi trường và sản xuất phân hữu cơ từ phân gia cầm cùng trao đổi để đưa ra những giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình sản xuất, tiếp cận và được chuyển giao những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực mà doanh nghiệp đang quan tâm.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã mời 7 chuyên gia cao cấp và các nhà khoa học đến từ các Viện Nghiên cứu và các trường đại học hàng đầu trong nước cùng tham gia hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tại sự kiện Techconnect 2020 như: Hội nông dân huyện Xuyên Mộc; nhà sáng chế Nguyễn Thành Lâm, các hợp tác xã và các đơn vị có nhu cầu về lĩnh vực liên quan đến sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu…

Ảnh 2. Điểm kết nối cung cầu công nghệ thứ 2 của Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tại sự kiện.

Tham gia Techconnect 2020, Trung tâm đã tổ chức thành công các buổi gặp mặt kết nối cung cầu giữa các bên, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ. Qua đó, Trung tâm đẩy mạnh vai trò kết nối của mình trong thị trường khoa học công nghệ, góp phần đưa khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế phục vụ cuộc sống