Vẫn còn 80% gạch nung truyền thống được sử dụng trong xây dựng

Nhu cầu sử dụng gạch xây dựng của Việt Nam ngày một cao, tuy nhiên, hiện nay, ngành xây dựng vẫn đang sử dụng tới 80% gạch nung truyền thống. Thực tế này gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên.​

 
                                          

Đó là thông tin từ bà Louis Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết tại Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, diễn ra sáng 29-5, tại Hà Nội.

Cũng theo bà Louis Chamberlain, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm giảm tỷ lệ gây ô nhiễm môi trường với nhiều chương trình, dự án hiệu quả. Việc triển khai dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, nhằm cắt giảm tỷ lệ tăng hằng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch, thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt hơn 13 triệu tấn CO2, được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.

TS Nguyễn Đình Hậu, Giám đốc Dự án cho biết, so với vật liệu nung, vật liệu xây dựng không nung ít phát thải khí độc hại, sử dụng ít nhiên liệu, phế thải được sử dụng làm nguyên liệu. Vật liệu nhẹ có khả năng cách âm, cách nhiệt. Do vậy, dự án nhằm từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng gạch không nung, đạt 25% vào năm 2015, 40% vào năm 2020, sử dụng 15 đến 20 triệu tấn phế thải công nghiệp, hằng năm, tiết kiệm khoảng một nghìn ha đất nông nghiệp.

Dự án bao gồm bốn hợp phần: tăng cường chính sách, hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy chuẩn cho việc sản xuất và sử dụng gạch không nung cũng như nâng cao năng lực của cán bộ có trách nhiệm, nhằm thực thi một khung điều tiết được tăng cường; nâng cao kiến thức và năng lực của các cơ sở sản xuất và các nhóm đối tượng tiềm năng sử dụng gạch không nung về ứng dụng công nghệ và sử dụng sản phẩm gạch không nung; nâng cao khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phải chăng để thực hiện các dự án gạch không nung; trợ giúp kỹ thuật trong việc phát triển các dây chuyền sản xuất gạch không nung và sử dụng sản phẩm trong các dự án xây dựng mới.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu của chương trình phát triển gạch không nung ở Việt Nam, đòi hỏi phải phá vỡ những rào cản về chính sách, thể chế, kiến thức, nhận thức, mở rộng thị trường, mở rộng và phát triển công nghệ sản xuất, đổi mới cơ chế tài chính. Việc giải quyết các biện pháp đồng bộ này cần nhiều nguồn lực và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức tư vấn kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, chuyên gia trong và ngoài nước. Trong khi nguồn lực trong nước còn hạn hẹp thì việc tranh thủ tài trợ và kinh nghiệm quốc tế là hết sức cần thiết. Bộ KH&CN cam kết hỗ trợ các bộ, ngành địa phương thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến phát triển gạch không nung.

Theo Bộ Xây dựng, việc tiêu thụ sản phẩm vật liệu không nung hiện nay còn khó khăn do tâm lý, thói quen của người sử dụng, hình dáng, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng hợp thị hiếu, chất lượng sản phẩm của một số nhà máy chưa ổn định trong khi giá thành lại cao. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng không nung chưa đủ mạnh.

H.N​