Đổi mới sáng tạo (ĐMST) cần được thực hiện một cách toàn diện, không chọn lọc. Đó là thông điệp chính mà Liên Hợp Quốc muốn truyền tải khi đồng hành cùng Việt Nam triển khai các dự án tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào dịch vụ công, đầu tư cho giáo dục, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng xanh và phát triển nghề nghiệp – đặc biệt dành sự ưu tiên cho phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn đạo đức AI và xây dựng các khung quản trị phù hợp.
Đổi mới sáng tạo – không ai bị bỏ lại phía sauNgày 21/4 hằng năm được Liên Hợp quốc chọn là Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và ĐMST trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Sau khi thông qua Nghị quyết vào năm 2017 và tuyên bố ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới, Liên Hợp Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ĐMST như một yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua các cơ quan của Liên Hợp quốc đã và đang hỗ trợ các quốc gia – trong đó có Việt Nam xây dựng chính sách ĐMST, phát triển hệ sinh thái ĐMST, xác lập quyền và khai thác phát triển tài sản trí tuệ
Kể từ năm 2021, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày sáng tạo và ĐMST thế giới của Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Năm 2025, Lễ hưởng ứng được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST&CĐS quốc gia, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và nhân dân trong việc thúc đẩy hoạt động ĐMST phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, với Nghị quyết 57, ĐMST&CĐS đã được coi là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Việt Nam trên con đường đạt được thu nhập cao vào năm 2045. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ – được hỗ trợ bởi cam kết dành 3% ngân sách quốc gia cho KH,CN&ĐMST.
Nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm 18,3% GDP, tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Gần như tất cả công dân đều được phủ sóng băng thông rộng và 5G đang phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, bà Pauline Tamesis cho biết, vẫn còn tồn tại những khoảng cách: Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng internet thấp hơn khu vực đô thị 10%; trong số phụ nữ ở các khu vực xa xôi, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh thấp hơn nam giới 26%; và chỉ có 10% các cô gái mong muốn theo đuổi các ngành nghề STEM, so với 24% các chàng trai.
Theo bà Pauline Tamesis, đổi mới là dành cho tất cả mọi người mà không có chọn lọc. AI đang dần định hình lại các nền kinh tế và xã hội. Ở Việt Nam, 54% các cơ quan hành chính đã sử dụng AI, nhưng chỉ có 20% có hướng dẫn đạo đức trong việc sử dụng. Điều này đặt ra những câu hỏi cơ bản: Làm thế nào để đảm bảo sự công bằng? Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi? Và làm thế nào để ngăn công nghệ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng?
Bà Pauline Tamesis khẳng định, Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam cung cấp phân tích chuyên biệt và tư vấn về đạo đức AI và giúp củng cố các khung quản trị. Chúng tôi cùng phát triển các dự án tích hợp AI vào các dịch vụ chính phủ trong khi đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi đang đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ năng xanh và kỹ năng số và các con đường nghề nghiệp, và thúc đẩy sự bao gồm – đặc biệt là đối với phụ nữ, các dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới một cách táo bạo nhưng có trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kết nối con người chứ không chỉ thiết bị; đảm bảo rằng tương lai số không chỉ nhanh và thông minh mà còn công bằng và dành cho tất cả mọi người.
Bà Pauline Tamesis kêu gọi, hãy cùng nhau đón nhận một văn hóa nơi đổi mới và sáng tạo trở thành lối sống của các cá nhân và tổ chức. Điều này có nghĩa là tạo ra môi trường nơi các ý tưởng mới được khuyến khích, sự sáng tạo được tôn vinh và tư duy đổi mới được tích hợp vào các thực hành hằng ngày.
Đổi mới sáng tạo – chìa khóa kiến tạo tương lai
ĐMST không thể thiếu vai trò của Nhà nước – người kiến tạo, dẫn dắt và bảo đảm môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái phát triển. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã và đang là đầu mối kết nối giữa “ba nhà”: nhà nước – nhà khoa học – nhà trường. Chia sẻ về hành trình của NIC trong việc kết nối và thúc đẩy văn hoá ĐMST tại Việt Nam, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, văn hóa ĐMST dẫn dắt NIC đồng hành cùng cộng đồng, kết nối các mô hình 3 nhà “nhà nước – nhà khoa học – nhà trường”. Đồng thời đã có những hợp tác với nhiều trường đại học, các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Theo ông Võ Xuân Hoài, ĐMST còn có thể đóng góp 91% cho phát triển kinh tế xanh và 87% vào việc gia tăng giá trị xã hội. Tác động của ĐMST sẽ ngày càng sâu rộng trong vòng 10 năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao tiếp, chăm sóc sức khỏe, thị trường lao động và môi trường sống. Đây chính là động lực nền tảng để Việt Nam vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và vươn lên trong kỷ nguyên số.
Tại Lễ hưởng ứng, doanh nghiệp đã trực tiếp kể câu chuyện về ĐMST, cách họ triển khai để đi đến mục tiêu chính của ĐMST là nâng cao hiệu quả, gia tăng hiệu suất, tạo ra giá trị cho công ty và đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội. Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech chia sẻ, CNCTech là một doanh nghiệp cơ khí nhỏ, với chỉ 5 nhân sự marketing toàn cầu. Nhờ đổi mới trong tổ chức và áp dụng công nghệ thông minh, CNCTech đã vươn ra thị trường thế giới dù mỗi đơn hàng không lớn. Chúng tôi coi ĐMST là chìa khóa để tối ưu vận hành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Em Mai Thị Phượng, sinh viên năm thứ 3, Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, bày tỏ niềm vinh dự được đại diện cho các bạn sinh viên Học viện chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm của mình về tinh thần sáng tạo, những nhận thức về giá trị của ĐMST sau khi tham gia những hoạt động giao lưu với sinh viên các đại học quốc tế và qua những dự án sinh viên.
“Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới là dịp để tôn vinh sức mạnh sáng tạo trong việc giải quyết những thách thức của xã hội. Đối với sinh viên chúng em – những người trẻ mang trong mình nhiệt huyết và khát khao khám phá, đây là một cơ hội quý báu để học hỏi và khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong việc kiến tạo tương lai”, Mai Thị Phượng chia sẻ.
Mai Thị Phương tự tin những vấn đề lớn của đất nước sẽ có lời giải nếu chúng ta dám nghĩ dám làm. Em nhận ra 3 điều cốt lõi: đổi mới bắt đầu từ một câu hỏi, sai lầm là dữ liệu để học hỏi, chia sẻ là cách sáng tạo bền vững nhất. Phượng cho biết, em được tham gia dự án sáng tạo Skynet, một dự án sử dụng máy bay không người lái kết hợp công nghệ rada và AI nhằm hỗ trợ tìm kiếm người trong bão lũ. Dự án được giải nhất cuộc thi Tech4Good châu Á – Thái Bình Dương, và được dự vòng thi quốc tế 2025.
“Thành công của Skynet đã mang lại cho chúng em giá trị truyền cảm hứng, sự tự tin to lớn. Tin rằng người trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tỏa sáng, cạnh tranh trên sân chơi sáng tạo quốc tế. Tự tin những vấn đề lớn của đất nước sẽ có lời giải nếu chúng ta dám nghĩ dám làm. Tự tin tinh thần đổi mới sáng tạo là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai”, Mai Thị Phượng cho biết.
Nguồn: PV