Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ĐMST trong viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; chia sẻ và tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST trong doanh nghiệp, ngày 1/10/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, diễn ra Tọa đàm: Vai trò của ĐMST với doanh nghiệp Thủ đô.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và ĐMST Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation VietNam 2024).
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nêu rõ: Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm ĐMST hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện, trường là chủ thể, các doanh nghiệp là trung tâm, thành phố đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động ĐMST trong viện, trường và các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hà khẳng định, nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội về thúc đẩy KH,CN&ĐMST, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số ĐMST (PII) năm 2023, đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KH&CN. Thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.
Trình bày về các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy ĐMST của Chính phủ đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng ĐMST, Cục Phát triển công nghệ và ĐMST, Bộ KH&CN cho biết, ngoài những chính sách chung, các ngành, lĩnh vực cũng đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù, như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030…
Ông Nguyễn Trường Phi cho biết thêm, hiện nay, các cơ chế, chính sách đã tạo lập được hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp trong các giai đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại, đồng thời, phù hợp với các nhóm doanh nghiệp có trình độ, năng lực công nghệ khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính cũng khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và ngày càng mạnh dạn đầu tư cho phát triển công nghệ và ĐMST. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Thủ đô, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung còn được hưởng các ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024.
Theo TS. Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ ĐMST doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho ĐMST. Hiện nay, các thủ tục hành chính và yêu cầu pháp lý vẫn còn khá phức tạp. Mặt khác, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy ĐMST là sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu chưa thực sự được thiết lập mạnh mẽ.
Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập VietNam Silicon Valley cho rằng, với lợi thế 100 triệu dân và GDP (tổng sản phẩm trong nước) tăng trưởng nhanh, Việt Nam sẽ trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các doanh nghiệp hướng đến. Bà Thạch Lê Anh kiến nghị cần khuyến khích hỗ trợ khối tư nhân thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm và có chính sách miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư thiên thần để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ và giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò ĐMST trong doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ĐMST trong viện, trường, doanh nghiệp.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, SATI