Lợi ích của sản xuất thông minh mang lại là rất rõ, tuy nhiên để chuyển đổi từ hoạt động sản xuất thủ công sang sản xuất tự động, từ sản xuất tự động sang sản xuất thông minh là quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn, phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của doanh nghiệp (chủ trương, nhận thức của lãnh đạo; quy mô doanh nghiệp; năng lực công nghệ; trình độ lao động; chi phí đầu tư;…) và các yếu tố bên ngoài (nguồn cung công nghệ trong nước và quốc tế; chi phí giải pháp công nghệ; mạng lưới chuyên gia tư vấn; chính sách hỗ trợ, thúc đẩy; các yêu cầu về đảm bảo chất lượng và cạnh tranh toàn cầu;…).
Nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST) và Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp Hàn Quốc (MSS), Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (SATI) và Văn phòng sản xuất thông minh Hàn Quốc (KOSMO) và Hiệp hội Đổi mới doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (INNOBIZ) đã thống nhất kế hoạc phối hợp xây dựng đề xuất dự án ODA "Trung tâm mô phỏng nhà máy thông minh và hỗ trợ thông minh hóa cho quá trình chuyển đổi số của ngành sản xuất Việt Nam giai đoạn 2026-2029".
Ngày 28/8/2024, các đơn vị đã trao Ý định thư hợp tác tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc Oh Youngju. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết đối với sản xuất thông minh, sự hợp tác của Hàn Quốc sẽ giúp nâng cao năng lực công nghệ và trình độ sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như mang đến các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy và khẳng định quan hệ hợp tác về KH,CN&ĐMST nói riêng, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói chung. Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Oh Youngju cho biết đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, đồng thời khẳng định sản xuất thông minh là xu thế tất yếu nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những quan tâm chung của Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới.
(Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc Oh Youngju (MSS) chứng kiến Lễ trao Ý định thư giữa SATI - KOSMO - INNOBIZ.)
Để cụ thể hóa nội dung hợp tác, ngày 29/8, SATI đã tổ chức buổi làm việc về sản xuất thông minh với đoàn đại biểu Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc.
Tham dự buổi làm việc phía Việt Nam có ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo và đại diện một số đơn vị trong Bộ KH&CN như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Viện Ứng dụng công nghệ (NACENTECH), cùng đại diện Sở Công Thương Hà Nội và một số doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu và giải pháp công nghệ nhà máy thông minh. Về phía Hàn Quốc có ông SoonJae Kwon - Giám đốc Vụ Sản xuất, MSS; ông KwangHyun An - Chủ tịch KOSMO; Bà HyunMo Jung - Giám đốc Hiệp hội quản lý đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc cùng đại diện các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông của Hàn Quốc.
(Toàn cảnh buổi làm việc)
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã chia sẻ thông tin và thảo luận về tình hình sản xuất thông minh tại Việt Nam, một số thuận lợi và rào cản và nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cho việc chuyển đổi thông minh cho nhà máy sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc cũng chia sẻ các giải pháp công nghệ giúp thông minh hóa quá trình sản xuất như giải pháp nhà máy thông minh cho doanh nghiệp lớn của Công ty Avenue và giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của công ty Ouransoft, giải pháp nhà máy thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo của công ty DMTEK và giải pháp quản lý giảm phát thải đáp ứng tiêu chuẩn ESG cho nhà máy thông minh của công ty NUVX,...
Các thông tin thu được từ buổi làm việc là cơ sở để SATI, KOSMO và các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai hiệu quả dự án “Trung tâm mô phỏng nhà máy thông minh và hỗ trợ thông minh hóa cho quá trình chuyển đổi số của ngành sản xuất Việt Nam” trong giai đoạn sắp tới./.