Việt Nam có tiềm năng hợp tác lĩnh vực vi mạch
Thông tin được đại diện khoa học công nghệ các quốc gia chia sẻ tại hội nghị kết nối chuyển giao công nghệ với viện, trường khu vực phía Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức sáng 19/7.
Đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại New York (Mỹ), ông Lê Văn Chính cho biết, năm 2022 quốc gia này thông qua Đạo luật chip và khoa học với số tiền đầu tư lên đến 50 tỷ USD cho nghiên cứu, sản xuất và nguồn nhân lực bán dẫn. Khu vực tư nhân tại Mỹ đã đầu tư trên 250 tỷ USD vào ngành này, trong đó bang Arizona ở miền Tây nước Mỹ chiếm 25%.
Theo ông Chính, bán dẫn một trong những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ. Quốc gia này hướng đến phát triển các công nghệ chip hiệu suất cao, chi phí thấp và giảm tác động của hoạt động sản xuất chất bán dẫn đến sức khỏe con người và môi trường.
Hồi tháng 6, đại diện phái đoàn Việt Nam trong đó có Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số doanh nghiệp tham quan phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ sản xuất của Đại học Arizona. Theo ông Chính, sắp tới Đại học Arizona sẽ đến Việt Nam làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự kiến hai bên xúc tiến xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung.
Đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại New York, Mỹ ông Lê Văn Chính chia sẻ tại hội nghị, sáng 19/7. Ảnh: Hà An
Ông Nguyễn Đức Minh, đại diện khoa học công nghệ tại Nhật Bản cho biết, giai đoạn 2021 - 2023 quốc gia này chi khoảng 27,5 tỷ USD tài trợ đầu tư xây nhà máy chip bán dẫn với tỷ lệ 40 - 50% chi phí xây dựng. Để đảm bảo chuỗi cung ứng, nhà máy sản xuất vật liệu, công nghiệp phụ trợ ngành bán dẫn, Nhật đã tài trợ 12 dự án xây dựng, mở rộng nhà máy.
Theo ông Minh, cùng với nhu cầu xây dựng nhà máy, Nhật Bản rất cần nguồn nhân lực bán dẫn. Theo dự báo của Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản, trong 10 năm tới nước này thiếu khoảng 35.000 nhân lực chất lượng cao. "Đây là cơ hội hợp tác hai nước có thể khai thác ngay", ông Minh nói. Các trường đại học có thể hợp tác bằng cách tham gia dự án nghiên cứu chung, trong đó có hỗ trợ thành lập các phòng thí nghiệm bán dẫn. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ học bổng, trao đổi sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, kỹ năng thực hành tại doanh nghiệp bán dẫn.
Hiện Nhật Bản có nhiều giáo sư gốc Việt làm việc và sẵn sàng hợp tác trong tiếp nhận đào tạo, thành lập các viện nghiên cứu, xây dựng mạng lưới chuyên gia lĩnh vực vi mạch người Việt trên toàn thế giới. Ông mong muốn các hoạt động này được cụ thể hóa bằng các ký kết hợp tác với Nhật Bản trong tương lai.
Bà Đỗ Thị Bích Ngọc, đại diện khoa học công nghệ tại Hàn Quốc nói, với lĩnh vực bán dẫn trong 5 năm tới quốc gia này dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân lực. Hàn Quốc dự kiến đặt hàng và đầu tư kinh phí cho 8 đại học trong nước để đạt được mục tiêu về nhân lực bán dẫn.
Theo bà Ngọc, chính sách về nhân lực của Hàn Quốc sẽ mang tới cơ hội cho các viện trường Việt Nam cùng tham gia. "Chúng tôi sẽ có các tiếp xúc ngoại giao với một trong 8 trường đại học Hàn Quốc để bàn mô hình hợp tác trong đào tạo nhận lực", bà nói, gợi mở mô hình phối hợp đưa sinh viên ra nước ngoài nghiên cứu, tài trợ học bổng, hợp tác doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu thị trường.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, thông tin trong chiến lược phát triển phát triển ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam, Đại học Quốc gia TP HCM là một trong những đơn vị được giao xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm trung tâm cho cả bốn khâu trong chuỗi giá trị ngành này. Đây được coi là trung tâm đầy đủ và có quy mô lớn nhất nước, bên cạnh hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế trong chiến lược. "Dự kiến trong tuần sau chúng tôi sẽ có bài trình bày với với Bộ Kế hoạch Đầu tư về nội dung này", PGS Quân nói.
Ba lĩnh vực còn lại Đại học Quốc gia TP HCM ưu tiên là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và khoa học công nghệ liên ngành. Với AI, hiện Đại học Quốc gia TP HCM xây dựng tổ công tác, đặt mục tiêu trở thành trung tâm xuất sắc về trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà An
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, mạng lưới đại diện khoa học công nghệ ở nước ngoài được xây dựng 15 năm qua ở 15 quốc gia với 23 địa bàn trọng điểm, có hợp tác sâu rộng về khoa học công nghệ với Việt Nam.
Theo ông Duy, việc xây dựng mạng lưới nhằm tìm hiểu, chiến lược, pháp luật về khoa học công nghệ các nước làm cơ sở tư vấn cho chính quyền, viện trường, doanh nghiệp Việt Nam. Các đại diện khoa học công nghệ cũng có vai trò cập nhật chính sách khoa học công nghệ các nước, xu hướng công nghệ gần đây như vi mạch, trí tuệ nhân tạo, lượng tử, công nghệ xanh... Thông qua hoạt động kết nối với nhà khoa học người gốc Việt, trường đại học, doanh nghiệp ở các nước, đại diện khoa học công nghệ sẽ chia sẻ thông tin cho phía Việt Nam phục vụ hoạt động chuyển giao, hợp tác phát triển công nghệ với quốc tế.
Với mô hình này, Thứ trưởng Duy mong muốn có mô hình kết nối chuyển giao công nghệ, từ nước ngoài về Việt Nam thông qua chuyên gia viện nghiên cứu, trường đại học với vai trò tư vấn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp trong nước.
Hà An (VnExpress.net)