Chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá “có nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Việt Nam”.
Thông tin được Trưởng ban nghiên cứu các chỉ số tổng hợp, Vụ Phân tích dữ liệu và kinh tế, WIPO, Sacha Wunsch-Vincent nói tại Hội thảo “Đo lường và thúc đẩy kết quả đổi mới sáng tạo cấp địa phương: Vai trò của các chỉ số đổi mới sáng tạo tại khu vực” hôm 12/7.
Sự kiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức, nằm trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 65 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên, với tham gia của các đại biểu từ các quốc gia thành viên WIPO, chuyên gia về xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Theo ông Sacha Wunsch-Vincent đánh giá Việt Nam sáng tạo khi “đưa vào một Trụ cột về Tác động trong đo lường về đổi mới sáng tạo”. Ông cho hay trước đây, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không có trụ cột về Tác động ở cấp quốc gia mà chỉ có công cụ để đo lường tác động của đổi mới sáng tạo cấp toàn cầu. Theo đó “có nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số PII của Việt Nam”. Trong báo cáo GII sẽ công bố vào tháng 9 tới sẽ có các chỉ số về tác động của đổi mới sáng tạo cấp độ quốc gia.
Trong bài chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Việt Nam được xây dựng dựa trên khung GII của WIPO với phương pháp xây dựng chỉ số tổng hợp theo chuẩn quốc tế, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia của WIPO về mặt chuyên môn, phương pháp luận.
Chỉ số PII của Việt Nam có điểm mới và sự sáng tạo so với GII khi đưa vào trong khung chỉ số một trụ cột Tác động, thể hiện tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến hoạt động sản xuất-kinh doanh và đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Hưng cho biết, kết quả PII năm 2023 đã được báo cáo Chính phủ và được các địa phương đón nhận. Nhiều địa phương đã tích cực tìm hiểu nội hàm, ý nghĩa của khung chỉ số và của từng chỉ số, các điểm mạnh, điểm yếu và thảo luận các giải pháp cải thiện phù hợp.
Các đại diện đến từ Brazil, Colombia, Ấn Độ và Liên minh châu Âu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chỉ số đánh giá đổi mới sáng tạo trong nước, nhằm cải thiện hiệu suất đổi mới, thiết kế chính sách tăng trưởng kinh tế cho từng khu vực.
Ông Rodrigo Ventura, kinh tế trưởng Viện Sở hữu Công nghiệp quốc gia Brazil (INPI) cho hay năm 2024 Brazil lần đầu tiên công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo Brazil (BII), dự kiến vào tháng 8 tới. Bộ chỉ số do INPI xây dựng dựa theo cấu trúc của GII, được thiết kế với hai nhóm đầu vào đổi mới sáng tạo (gồm 5 trụ cột) và kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo (2 trụ cột), với tổng cộng 74 chỉ số thành phần. Các chỉ số thành phần cũng được điều chỉnh nhằm phù hợp với quy mô kinh tế xã hội, dân số, đất đai của từng tiểu bang. Bên cạnh xếp hạng theo bang và chia thành 5 khu vực, BII còn vinh danh nhà lãnh đạo đổi mới.
Theo ông Rodrigo Ventura, báo cáo giúp địa phương nhìn ra “chìa khóa” để xây dựng và thực thi chính sách, tận dụng thế mạnh, vượt qua thách thức. Dẫn chứng, ông cho biết kết quả xếp hạng cho thấy các tiểu bang có cơ sở giáo dục mạnh thì chỉ số vốn nhân lực, đầu tư R&D, tổ chức nghiên cứu xuất sắc được chú trọng. Trong khi việc cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với khu vực kém phát triển. “Báo cáo cung cấp thông tin môi trường kinh doanh, hỗ trợ pháp lý giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là các công ty khởi nghiệp có quyết định phù hợp”, ông nhấn mạnh.
Còn ông Ashok A. Sonkusare, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) cho biết “III – Chỉ số đổi mới sáng tạo Ấn Độ” giúp thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đánh giá hiệu suất đổi mới sáng tạo tại địa phương, đồng thời cải thiện thứ hạng của Ấn Độ trong xếp hạng GII toàn cầu”.
Tháng 10/2019, NITI Aayog lần đầu công bố III với kỳ vọng đưa bộ công cụ giúp các nhà hoạch định chính sách có chiến lược tốt tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Giới chức có thể nhận ra các thách thức cần giải quyết, xác định điểm yếu và điểm mạnh cần tập trung khi thiết kế chính sách tăng trưởng kinh tế cho từng khu vực.
Các tính chỉ số III của Ấn Độ tương tự GII. Với 60 chỉ số thành phần, công cụ đo lượng đổi mới dựa được chia thành 2 nhóm đầu vào và đầu ra và được tính dựa trên điểm trung bình của 7 trụ cột. Song do sự đa dạng địa lý kinh tế, lẫn khác biệt ngôn ngữ giữa các địa phương, họ chia thành 3 nhóm xếp hạng riêng gồm các bang lớn; bang phía bắc và miền núi; các bang nhỏ, thành phố và lãnh thổ liên minh.
Đến nay, Ấn Độ đã công bố III 3 lần, cho năm 2019, 2020 và 2021. Kết quả của các lần đánh giá cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại nước này khá mạnh ở phía Nam và phía Tây.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia, ông Marco M. Aleman, Trợ lý Tổng Giám đốc WIPO cho biết các chỉ số đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia. Phía WIPO cam kết hỗ trợ quốc gia, thông qua hoạt động hội thảo về đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương để các quốc gia chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, thảo luận phương pháp quản lý dữ liệu, tính toán chỉ số tổng hợp.