Để phục vụ tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024, cơ quan đầu mối của địa phương (Sở Khoa học và Công nghệ – KH&CN) cần gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ KH&CN thông qua Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và nhập dữ liệu, tải tài liệu minh chứng (bản mềm) lên phiếu thu thập dữ liệu trực tuyến trước ngày 30/8/2024.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hướng dẫn thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024 do Bộ KH&CN tổ chức từ ngày 01 -02/8/2024.
Khung Chỉ số PII năm 2024
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng thử nghiệm Bộ Chỉ số PII năm 2022 và đã được Chính phủ giao chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Ngày 05/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó quy định, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số PII; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực thực hiện Chỉ số PII.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh, Bộ Chỉ số PII cung cấp bức tranh về hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Hiện PII là bộ chỉ số duy nhất tổng hợp và đa ngành phản ánh tổng thể hiện trạng kinh tế – xã hội. Việc xếp hạng Chỉ số PII không phải chỉ để quan tâm thứ hạng, mà qua các chỉ số thể chế, con người, môi trường kinh doanh… đến nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận được những điều kiện giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Hội thảo hướng dẫn các địa phương cách khai thác kết quả, giới thiệu Khung Chỉ số PII 2024, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương trong thu thập, khai thác dữ liệu, đặc biệt là tài liệu minh chứng phục vụ tính toán chỉ số. .
Giới thiệu về Khung PII năm 2024, ông Nguyễn Võ Hưng – Học viện KH,CN&ĐMST cho biết, ngày 24/7/2024, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt Khung Chỉ số PII năm 2024. Theo đó, Khung Chỉ số PII năm 2024 gồm 7 Trụ cột: Thể chế (gồm 2 nhóm chỉ số, 7 chỉ số thành phần về môi trường chính sách, môi trường kinh doanh); Nguồn nhân lực và nghiên cứu (gồm 2 nhóm chỉ số và 7 chỉ số thành phần liên quan đến giáo dục, nghiên cứu và phát triển); Cơ sở hạ tầng (gồm 2 nhóm chỉ số, 5 chỉ số thành phần liên quan đến hạ tầng ICT, cơ sở hạ tầng chung và môi trường sinh thái); Trình độ phát triển của thị trường (gồm 2 nhóm chỉ số, 7 chỉ số thành phần về tài chính và đầu tư, dịch vụ hỗ trợ); Trình độ phát triển của doanh nghiệp (gồm 3 nhóm chỉ số, 9 chỉ số thành phần về lao động có tri thức, liên kết sáng tạo, hấp thu tri thức); Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (gồm 3 nhóm chỉ số, 9 chỉ số thành phần về sáng tạo tri thức, tài sản vô hình, lan tỏa tri thức); Tác động (gồm 2 nhóm chỉ số, 8 chỉ số thành phần về tác động đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến kinh tế – xã hội).
Thu thập, kiểm tra, thẩm định và xử lý dữ liệu
Bà Nguyễn Phương Mai – Học viện KH,CN&ĐMST cho biết, nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ Chỉ số PII được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác như:cải cách hành chính; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chuyển đổi số; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Các chỉ số do địa phương cung cấp dữ liệu phục vụ tính toán PII 2024 có một số điều chỉnh, cụ thể: Bớt 1 chỉ số (chỉ số 4.1.2. Tài chính vi mô/GRDP – chỉ số này sẽ sử dụng dữ liệu do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tại trung ương cung cấp); Thêm 1 chỉ số (chỉ số 4.2.3. Đóng góp trong GDP cả nước); Điều chỉnh mẫu số của 2 chỉ số là chỉ số 5.2.2. Số dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động của địa phương (%) và Chỉ số 5.2.3. Số dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động trên địa bàn địa phương (năm 2023, mẫu số của 2 chỉ số này là “doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn địa phương”).
Quy trình thu thập, xử lý dữ liệu từ các địa phương được thực hiện gồm 10 bước và Cơ quan đầu mối của địa phương (Sở KH&CN) gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ KH&CN qua đơn vị đầu mối là Học viện KH,CN&ĐMST trước ngày 30/8/2024.
Theo ông Phan Xuân Linh – Học viện KH,CN&ĐMST, các kĩ thuật tính toán được áp dụng để đảm bảo bộ chỉ số phù hợp, đo lường được đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra gồm việc xử lý các trường hợp bị thiếu dữ liệu; thực hiện phân tích đa biến để kiểm định mối quan hệ tương quan giữa các chỉ số được lựa chọn, đánh giá sự phù hợp của dữ liệu; quy chuẩn dữ liệu để đảm bảo so sánh được. Kĩ thuật tính toán, phân tích của Chỉ số ĐĐMST toàn cầu (GII) tiếp tục được học hỏi, áp dụng đối với Chỉ số PII.
Sau khi phương pháp tính toán được kiểm định, đảm bảo tính phù hợp, các phân tích chi tiết được thực hiện theo đánh giá chung và cho từng địa phương. Các phân tích được thực hiện để xem xét đóng góp của từng nhóm chỉ số, chỉ số thành phần cụ thể đến bộ chỉ số tổng hợp. Phân tích, xác định những điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương theo bộ chỉ số, lý giải kết quả đánh giá, xếp hạng của từng địa phương.
Kết quả đánh giá, xếp hạng hoạt động ĐMST cấp địa phương sẽ được xây dựng thành báo cáo tổng hợp với các phân tích chung và cho từng địa phương. Báo cáo sẽ được công bố, phổ biến kết quả đến các địa phương, các cơ quan trung ương và các bên liên quan thông qua hội thảo công bố trực tiếp và tài liệu hóa, xuất bản dưới hình thức bản cứng và bản mềm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các địa phương đã trao đổi các khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai; thảo luận về một số điều chỉnh các chỉ số do địa phương cung cấp dữ liệu phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024… Lãnh đạo và cán bộ đầu mối xây dựng Bộ Chỉ số PII của Học viện KH,CN&ĐMST đã giải đáp, cung cấp thông tin liên quan đến nhiều vấn đề do các địa phương đặt ra như việc duy trì một đầu mối tổng hợp thông tin của địa phương; khó xác nhận số liệu của một số chỉ số; cơ chế tài chính cho đối tượng cung cấp thông tin…
Quy trình cung cấp dữ liệu và hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024:Bước 1: Các địa phương tham gia tập huấn.Bước 2: Sở KH&CN phối hợp với các sở, ban ngành thu thập và cung cấp dữ liệu.Bước 3: Các sở, ban, ngành rà soát các báo cáo, nguồn dữ liệu, tổng hợp dữ liệu theo yêu cầu và gửi Sở KH&CN kèm tài liệu minh chứng.Bước 4: Sở KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng do các sở, ban, ngành cung cấp; đề nghị các sở, ban, ngành xác nhận, làm rõ nếu phát hiện dữ liệu và tài liệu minh chứng có sai khác, chưa đầy đủ hoặc không hợp lý.Bước 5: Sở KH&CN gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ KH&CN thông qua Học viện KH,CN&ĐMST (bản cứng kèm theo công văn) và nhập dữ liệu, tải tài liệu minh chứng (bản mềm) lên phiếu thu thập dữ liệu trực tuyến trước ngày 30/8; gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng về UBND tỉnh/thành phố để xem xét, cho ý kiến (nếu cần) và thông báo cho Bộ KH&CN các ý kiến của UBND tỉnh/thành phố (nếu có).Bước 6: Bộ KH&CN tiếp nhận dữ liệu do Sở KH&CN cung cấp (bản cứng và trực tuyến) và thông báo tình hình tiếp nhận dữ liệu cho sở KH&CN.Bước 7: Bộ KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng.Bước 8: Bộ KH&CN thông báo cho Cơ quan đầu mối của địa phương (Sở KH&CN) để tiếp tục làm rõ thông tin (nếu cần).Bước 9: Sở KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tà liệu minh chứng do các sở, ban, ngành đã cung cấp; đề nghị các sở, ban, ngành xác nhận, làm rõ, sau đó gửi công văn xác nhận, làm rõ dữ liệu kèm tài liệu minh chứng; gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng liên quan về UBND tỉnh/thành phố để xem xét, cho ý kiến (nếu cần) và thông báo cho Bộ KH&CN các ý kiến của UBND tỉnh, thành phố (nếu có).Bước 10: Bộ KH&CN xác nhận dữ liệu do Sở KH&CN đã xác minh, kiểm tra; tập hợp dữ liệu phục vụ tính toán. Trường hợp dữ liệu và tài liệu minh chứng vẫn còn sai khác, chưa đầy đủ, bất hợp lý thì quay lại Bước 8.