Chiều 4/1, tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm và một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị chè Thái Nguyên.
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Bộ KH&CN có đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và các đơn vị: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Văn phòng đại diện các Bộ phận KH&CN ở nước ngoài, Bộ phận đại diện KH&CN tại 21 địa bàn ở nước ngoài.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị: Sở ban ngành tỉnh Thái Nguyên (KH&CN, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Liên minh Hợp tác xã, Hội chè tỉnh Thái Nguyên và một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất chè trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, cây chè được tỉnh Thái Nguyên xác định là cây trồng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, mở rộng quy mô diện tích, đẩy mạnh chế biến, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu. Nhiều giải pháp KH&CN đã được ứng dụng trong trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm chè…giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây trồng khác trong tỉnh và khẳng định thương hiệu, uy tín của chè Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, Thái Nguyên đang đứng đầu cả nước về sản xuất chè với diện tích 22,2 nghìn ha trồng chè, sản lượng búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn, giá trị sản phẩm sau chế biến đạt trên 12,3 nghìn tỷ đồng (thu được trên 1 ha đất trồng chè). Thực tế hiện nay, thị trường tiêu thụ chè Thái Nguyên vẫn chủ yếu tập trung ở thị trường nội địa chiếm đến 90% với các sản phẩm chè xanh, chè xanh đặc sản, chỉ 10% sản lượng chè được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông, một số nước Châu Á, Bắc Mỹ và Đông Âu.
Theo chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên, từ thực tiễn sản xuất, chế biến, bảo quản chè hiện nay của các doanh nghiệp, Hợp tác xã… trên địa bàn tỉnh cho thấy, chè Thái Nguyên đã được đa dạng hóa sản phẩm, chế biến tinh, sâu, đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, nhiều sản phẩm đã đạt giải cao tại các cuộc thi chè quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển của chè Thái Nguyên hiện nay chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng chè. Để thương hiệu và tên tuổi của chè Thái Nguyên được bay xa hơn nữa rất cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học và những công nghệ mang tầm quốc tế.
Một số đề xuất và nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, hộ nông dân… đã được trao đổi nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên. Cụ thể là: Nhu cầu công nghệ phát triển các sản phẩm trà mới (các loại trà ướp hương, Hồng trà, Oolong trà, Matcha) và các sản phẩm khác từ chè (tinh dầu trà, cao trà, sữa tắm, dung dịch vệ sinh từ trà…); Giải pháp kỹ thuật phát triển chuỗi giá trị chè trong canh tác, trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản…; Thiết bị máy móc chế biến, bảo quản, đóng gói trà quy mô lớn; Giải pháp truy xuất nguồn gốc trà…
Tại buổi làm việc, Bộ phận đại diện KH&CN tại 04 quốc gia có thế mạnh về trà (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển chuỗi giá trị chè tại các nước sở tại. Ngoài ra, đại diện Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc chia sẻ về kết quả nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất có giá trị cao từ cây chè nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ chè.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN với lợi thế của Bộ phận đại diện KH&CN ở nước ngoài, thông qua đầu mối kết nối là Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ hỗ trợ địa phương trong việc tiếp cận, kết nối, chuyển giao, phát triển các công nghệ nước ngoài, những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới để ngày càng đáp ứng tốt hơn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Trước nhu cầu và tình hình hiện nay của ngành chè tại Thái Nguyên, Bộ KH&CN đánh giá cao sự quan tâm của các cấp Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong việc phát triển một cách toàn diện cây chè cả về số lượng, chất lượng, giá trị, thương hiệu và văn hóa trà. Một số giải pháp bước đầu đã được Bộ KH&CN thống nhất phối hợp với tỉnh Thái Nguyên triển khai ngay trong năm 2024 như: Tổ chức Triển lãm công nghệ và thiết bị máy móc trong ngành chè tại tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng Bộ bách khoa toàn thư về chè Thái Nguyên; Triển khai các nhiệm vụ KH&CN hoàn thiện dây chuyền sản xuất chè ở quy mô lớn; công nghệ chiết xuất một số hoạt chất chống ôxy hóa từ cây chè; công nghệ ảnh viễn thám đánh giá thời gian thu hoạch chè… Đồng thời, đồng chí Bùi Thế Duy Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng nhấn mạnh hoạt động phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ với Sở ban ngành của tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã…trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Thái Nguyên.