Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện là đơn vị nòng cốt để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH,CN,ĐMST và CĐS) quốc gia. Làm sao đưa ĐMST vào cuộc sống, từ đó tạo ra năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. ĐMST phải đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ như trên tại buổi làm việc với khối các đơn vị ĐMST gồm: Cục ĐMST, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, và Quỹ Đổi mới công nghệ (ĐMCN) quốc gia vào ngày 24/3/2025.
ĐMST cần cách tiếp cận mới
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị điểm lại chức năng, nhiệm vụ, các nội hàm về ĐMST, tránh việc hiểu chưa đúng dẫn đến làm sai hoặc làm không hiệu quả. Bộ trưởng đã cùng với cán bộ của 3 đơn vị làm rõ các khái niệm về: ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ, ĐMST, startup, ươm tạo công nghệ và nhiệm vụ của Quỹ ĐMCN quốc gia.
Theo Bộ trưởng, ứng dụng công nghệ hiểu một cách đơn giản là “mua về dùng”. Việc mua công nghệ về dùng sẽ chiếm đến 80% toàn bộ hoạt động ĐMST ở Việt Nam. Đây là điều dễ làm nhưng có tác động ngay đến nền kinh tế. Chuyển giao công nghệ là việc “mua về dùng” nhưng ở mức độ cao hơn, có thể bao gồm việc đào tạo khả năng tự bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành, thay thế các chi tiết nhỏ, thậm chí giải thích về công nghệ. ĐMCN là bước cao hơn nữa, khi sử dụng công nghệ mua về, cải tiến công nghệ để tăng năng suất, giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới mà ngay cả người tạo ra công nghệ cũng không nghĩ tới, giá tăng giá trị để mở rộng đường biên công nghệ. Như vậy, đổi mới chính là cách giúp gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ trưởng đã kể câu chuyện về chuyến thăm trung tâm điều hành mạng lưới viễn thông đặt tại Ấn Độ, họ mua phần mềm 500 triệu USD của Ericsson, nhưng lại thuê 3 lập trình viên chỉnh sửa, bổ sung tính năng mới để khai thác hiệu quả hơn. Chỉ riêng giá trị những người này sáng tạo thêm đã vượt quá giá trị phần mềm gốc. Theo Bộ trưởng, ĐMST cần cách tiếp cận mới để đóng góp cho tăng trưởng đất nước. Chỉ khi các đơn vị hiểu một cách sâu sắc, hoạt động thúc đẩy ĐMST mới từ việc khó trở thành việc dễ thực hiện. Nói về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, Bộ trưởng lưu ý những đặc điểm không thể thiếu của một startup, đó là phải có sự đột phá, giải quyết được một vấn đề xã hội đã tồn tại từ lâu và thay đổi thị trường. Trong khi đó, ươm tạo công nghệ giống như việc nuôi, dạy, đào tạo startup. Các doanh nghiệp lớn được dùng Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Với Quỹ ĐMCN quốc gia, Bộ trưởng định hướng cách vận hành cần chuyển từ việc cho vay sang hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh tín dụng. Hoạt động của Quỹ sẽ hướng tới phục vụ ứng dụng công nghệ, mua về dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia theo mô hình 30% vốn Nhà nước và 70% vốn tư nhân, nhằm huy động tối đa nguồn lực thị trường để hỗ trợ các startup có tiềm năng trở thành kỳ lân.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST
Tại buổi làm việc, các đơn vị đã nêu một số khó khăn trong triển khai công việc và mong muốn lãnh đạo Bộ đưa ra định hướng để giải bài toán này, góp phần tăng hiệu quả quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng đặt ra cho các đơn vị là phải đo lường được những đóng góp của lĩnh vực ĐMST đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Bộ trưởng giao Cục ĐMST, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ cùng Quỹ ĐMCN quốc gia đánh giá, đo lường hoạt động ĐMST, tìm ra các mô hình, tác động của ĐMST tới việc phát triển kinh tế, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là việc đầu tiên cần làm bởi nếu không đo lường sẽ không thể quản lý được, không biết lĩnh vực tác động ra sao, cần ưu tiên ở chỗ nào và phải đầu tư vào đâu để thúc đẩy sự phát triển. Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn về công nghệ trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đất nước muốn phát triển thế nào thì đề ra tiêu chuẩn thế đó. Tiêu chuẩn sẽ tạo ra không gian để phát triển KH,CN&ĐMST.
Bộ trưởng yêu cầu bắt tay ngay xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của hoạt động ĐMST trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Bộ trưởng đề xuất thành lập các trung tâm ĐMCN trong từng ngành, tại từng địa phương, đồng thời thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng các khoản vay ưu đãi.
ĐMST – chìa khóa kết nối KH&CN vào thực tiễn
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng chỉ ra rằng, ĐMST không còn đi theo mô hình truyền thống từ nghiên cứu khoa học đến công nghệ, từ công nghệ ra ĐMST, từ ĐMST ra chuyển đổi số như trước đây. Thay vào đó, giờ đây, ĐMST có thể khởi phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, sau đó đặt ra yêu cầu phát triển công nghệ và nghiên cứu khoa học. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp, viện, trường và Nhà nước. Doanh nghiệp do nhu cầu cạnh tranh, cần ĐMST nên chủ động mang bài toán, vấn đề của mình đến viện, trường để hợp tác. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ mối quan hệ này. KH,CN,ĐMST và CĐS đặt mục tiêu là tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo Bộ trưởng, KH,CN,ĐMST và CĐS phải đóng góp ít nhất 5% vào mục tiêu tăng trưởng GDP 10% mỗi năm. ĐMST được kỳ vọng chiếm 80% trong đó, tức khoảng 3% tăng trưởng GDP, CĐS sẽ đóng góp 1-1,5% và KH&CN chiếm 1%. Đây là lần đầu tiên ngành KH&CN có mục tiêu cụ thể về đóng góp của ĐMST vào nền kinh tế. ĐMST là yếu tố quan trọng, phải được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. ĐMST chính là chìa khóa để kết nối KH&CN vào thực tiễn, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mang lại giá trị thực tiễn cho xã hội. Trong khi KH&CN đã được coi là quốc sách, thì ĐMST mới thực sự là yếu tố quyết định để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững trong nền kinh tế.
Bài, ảnh: PV