Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Cục ĐMST) đã chủ trì, tham gia, phối hợp với các đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách lớn về khoa học, công nghệ và ĐMST (KH,CN&ĐMST) và tích cực triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ và đào tạo cho tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Cục ĐMST tổ chức vào chiều ngày 24/12/2024 tại Hà Nội.
Chủ trì, tham gia, phối hợp xây dựng 7 chính sách lớn về KH,CN&ĐMST
Trong năm 2024, Cục ĐMST đã chủ trì, tham gia, phối hợp với các đơn vị xây dựng 7 chính sách lớn: (1) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo; (2) Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST; (3) Báo cáo “Tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ của Việt Nam”; (4) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2021/TT-BKHCN ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; (5) trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 3125/QĐ-BKHCN ngày 29/11/2024, trong đó sửa đổi bổ sung 03 Thủ tục hành chính Cục được phân công thực hiện; (6) dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; (7) Rà soát, góp ý và bổ sung nhóm dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu đối với hoạt động ĐMST nhằm triển khai hiệu quả chức năng, nhiệm vụ về ĐMST của Bộ KH&CN.
Bên cạnh đó, Cục đã quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ và ĐMST; hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ, đổi mới công nghệ thông qua quản lý, triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, Cục luôn tích cực triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ và đào tạo cho tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ. Năm 2024, Cục đã rà soát, tổng hợp nhu cầu công nghệ/chuyên gia/đối tác nước ngoài từ 11/63 địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong cả nước, đồng thời phối hợp với mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài cung cấp thông tin công nghệ, chuyên gia, đối tác ở nước sở tại sở hữu công nghệ theo đặt hàng trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, lưu trữ năng lượng…; tổ chức thành công Sự kiện kết nối công nghệ và ĐMST Việt Nam 2024, cùng trên 20 Diễn đàn, Hội nghị, Hội thảo chuyên sâu về công nghệ trong các ngành, lĩnh vực.
Cục ĐMST triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới: Ký 03 thỏa thuận hợp tác với các đối tác của Australia, Tây Ban Nha và Hàn Quốc về ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ, phát triển hệ thống nhà máy sản xuất thông minh…; tổ chức đoàn ra nhằm kết nối công nghệ và ĐMST; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đón 14 đoàn đối tác nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện chương trình công tác năm 2024 của Cục ĐMST cũng cho thấy còn một số khó khăn: Khuôn khổ, hành lang pháp lý thúc đẩy ĐMST chưa đầy đủ còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất; việc thu thập các thông tin, kết quả về hoạt động đổi mới, phát triển công nghệ tại các bộ, ngành và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ KH&CN…
“Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với các nhiệm vụ được giao, đặc biệt đối với các vấn đề, nội dung mới liên quan tới hoạt động ĐMST, cần thiết tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; sự nỗ lực và ý thức trách nhiệm cao của mỗi công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài”, ông Nguyễn Đức Hoàng cho hay.
Các nhiệm vụ trọng tâm
Căn cứ thực tiễn công tác năm 2024 và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, năm 2025, Cục ĐMST sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo “Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo” trình Chính phủ xem xét, ban hành; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, giải trình, tiếp thu ý kiến và đề xuất các nội dung liên quan tới hoạt động chuyển giao, phát triển công nghệ và ĐMST tại hồ sơ dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi); xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2021/TT-BKHCN ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành đầu năm 2025; rà soát, triển khai sửa đổi các Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ KH&CN liên quan đến hoạt động của Cục.
Đồng thời, Cục ĐMST tiếp tục kiện toàn, tinh gọn, tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả, triển khai liên tục, không gián đoạn các chức năng, nhiệm vụ về đổi mới công nghệ; phát triển công nghệ cho doanh nghiệp; hoạt động ĐMST; hoạt động ứng dụng, triển khai công nghệ và tiến bộ kỹ thuật ở địa phương; phát triển thị trường KH&CN; hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN ở địa phương. Qua đó tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước và tổ chức triển khai các hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ và ĐMST với đối tượng chính thực hiện hoạt động trên là các doanh nghiệp;
Chủ trì, phối hợp với mạng lưới đại diện KH&CN tại nước ngoài triển khai các hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước; tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, các chương trình, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương về hoạt động ĐMST, hoạt động ứng dụng, làm chủ, đổi mới công nghệ và nghiên cứu phát triển công nghệ của doanh nghiệp.
Về hoạt động ĐMST, Cục hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động kết nối cung cầu công nghệ và ĐMST; tổ chức thực hiện dịch vụ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ; xây dựng dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, tổ chức, nhân lực, hoạt động ĐMST; Tổ chức các Sự kiện hưởng ứng Ngày Sáng tạo và ĐMST tạo thế giới, Ngày hội ĐMST quốc gia.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Vụ Năng lượng nguyên tử, Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật đã chúc mừng những kết quả Cục ĐMST trong năm qua. Đồng thời, đại điện lãnh đạo các đơn vị chức năng đã chia sẻ những nội dung liên quan trong công tác phối hợp với Cục về xây dựng và hiện thực hóa thể chế nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý, ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ và ĐMST.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những nỗ lực của Cục ĐMST trong xây dựng chính sách về KH,CN&ĐMST. Thời gian tới, Cục ĐMST cần xem xét, đánh giá tổng kết, xây dựng chức năng nhiệm vụ nhất quán để có bước phát triển tốt nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mai Dương – Cục trưởng Cục ĐMST tiếp thu ý kiến chia sẻ của Nguyên Thứ trưởng Trần Văn Tùng trong hoàn thiện hành lang pháp lý thời gian tới, cũng như cảm ơn sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị trong Bộ trong các mảng chức năng nhiệm vụ.
Cục trưởng Nguyễn Mai Dương bày tỏ mong muốn Cục tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong triển khai xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách qua đó tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đối với hoạt động ĐMST; hoạt động phát triển công nghệ phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ KH&CN. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ luôn quan tâm, phối hợp, hướng dẫn xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; kiện toàn, tổ chức bộ máy, sắp xếp người làm việc.