Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn được đánh giá là có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm đồng thời là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, do vậy các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung và trên địa bàn khu vực nói riêng.
Ngày 17/12/2024, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Long An tổ chức hội thảo “Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tại hội thảo, ThS Đặng Hoàng Anh Tuấn – đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo chia sẻ, năm 2024 Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới và có nhiều chỉ số cải thiện tích cực. Cùng với đó, hoạt động đổi mới sáng tạo ở địa phương cũng diễn ra rất sôi nổi, thể hiện qua xếp hạng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index – PII), theo xếp hạng PII năm 2023: Cần Thơ và Long An là các tỉnh được đánh giá xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo đạt mức khá trên toàn khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, hội thảo tập trung chia sẻ về hiện trạng và các giải pháp hỗ trợ các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Long An và các tỉnh/thành phố trên địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua hội thảo các chuyên gia và diễn giả đã có cơ hội chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương, doanh nghiệp mình. Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung thảo luận về các giải pháp giúp doanh nghiệp và địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm OCOP Long An, giải pháp cho doanh nghiệp tại vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, …
Nhìn chung, các kết quả từ hội thảo đã góp phần định hướng phát triển bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy hình thành và phát triển các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin giúp các nhà quản lý đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.