Hội thảo hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ

Đổi mới sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Việc đánh giá thực trạng của các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực, địa phương phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngày 19/12/2024, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã phối hợp với Trường Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức có chức năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ.

Toàn cảnh hội trường hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Đàm Sao Mai – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu phát triển thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ giảng viên, sinh viên tăng cường đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của trường; tăng cường mạng lưới liên kết doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Phát biểu của PGT.TS Phạm Sao Mai – Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo ThS. Đặng Hoàng Anh Tuấn đã trình bày bức tranh tổng quan về đổi mới sáng tạo nói chung và tại vùng Đông Nam bộ nói riêng. Trong đó, hoạt động đổi mới sáng tạo thể hiện qua xếp hạng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index – PII), theo xếp hạng PII năm 2023: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu là các tỉnh được đánh giá xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo đạt mức khá trên toàn khu vực và cả nước, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh được được đánh giá ở mức tốt về đổi mới sáng tạo.

TS. Nguyễn Vĩnh Minh Thành – Phó viện trưởng viện Năng suất chất lượng & Đổi mới sáng tạo, chia sẻ bức tranh tổng quan về thị trường OCOP, cơ hội cho doanh nghiệp OCOP và sản phẩm đổi mới sáng tạo tại địa phương. Trong đó nhấn mạnh về những giải pháp cho thị trường ngành OCOP nói riêng bao gồm thị trường đã phát triển (cần tập trung vào thương hiệu hóa, hợp tác phát triển, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường) và thị trường yếu thế (cần tập trung vào chất lượng hóa, hỗ trợ phát triển, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường).

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chia sẻ về hiện trạng hoạt động đổi mới sáng tạo tại tổ chức, doanh nghiệp; những khó khăn, nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp của vùng; vai trò của các trường đại học trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và startup tại địa phương trong vùng … Đồng thời thảo luận về định hướng hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của khu vực vùng Đông Nam Bộ.

Nguồn: SATI