Ngày 28/9/2024, tại Hà Nội, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (SATI) – đơn vị được giao đầu mối, đồng thời thay mặt Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty ACH Australia (SBC), Công ty Digital Silver (ETL) của Australia nhằm thúc đẩy, phát triển và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước về đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Mai Dương – Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và ĐMST cho biết, SATI luôn coi trọng các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tổng hợp các nguồn lực quý giá từ người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới, góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ và ĐMST. Thời gian qua, SATI, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Học viện KH,CN&ĐMST đã được tham gia các hoạt động hợp tác giữa Bộ KH&CN và các đối tác Australia, nổi bật là các dự án với Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) trong khuôn khổ của Chương trình Đối tác ĐMST (Aus4Innovation-A4I) đã được Lãnh đạo các Bộ và Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.
Để tiếp tục góp phần vào mối quan hệ ngày càng tốt đẹp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa Bộ KH&CN với các đối tác Australia, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN, SATI đã cùng các đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, chia sẻ thông tin và dự thảo một số nội dung hợp tác là thế mạnh của 5 đơn vị gồm: SBC, ETL, SATI, Học viện KH,CN&ĐMST và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN với mục tiêu thúc đẩy ĐMST, KNST trong một số ngành, lĩnh vực chính của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển trong nước và xuất khẩu, bao gồm: ĐMST trong một số ngành, lĩnh vực chính như nông nghiệp, dịch vụ tài chính, năng lượng và ngành, lĩnh vực khác theo thống nhất của các bên; hợp tác tổ chức các chương trình, đào tạo, hội thảo hỗ trợ hệ sinh thái KNST của Việt Nam; xây dựng năng lực cho hệ thống ĐMST như quản lý công nghệ, lãnh đạo ĐMST, quản trị tổ chức và các nội dung phù hợp theo thống nhất của các bên.
Bản ghi nhớ thiết lập một khuôn khổ hợp tác giữa các đơn vị với mục tiêu hợp tác phát triển, tập trung vào thúc đẩy ĐMST giữa Việt Nam và Australia thông qua nỗ lực tăng cường hợp tác và khám phá các cơ hội thúc đẩy ĐMST trong các lĩnh vực cùng quan tâm và trên cơ sở cùng có lợi. Các nội dung cụ thể sẽ được các đơn vị triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao như đã nêu tại Biên bản ghi nhớ.
Bản ghi nhớ hợp tác là bước khởi đầu của mối quan hệ hợp tác của các đơn vị góp phần hướng tới mục tiêu chung, đóng góp tích cực cho hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia của Việt Nam cũng như mang lại các giá trị thiết thực cho các đối tác phía Australia.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo