Ngày 20 tháng 8 năm 2024, tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo-Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung”.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Cục ĐMST); ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh, cùng hơn 120 đại biểu đại diện cho một số ban, sở ngành có liên quan của tỉnh Hà Tĩnh, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN và một số doanh nghiệp của Hà Tĩnh và các tỉnh khu vực miền Trung.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh tham gia, triển khai các chính sách hỗ trợ của Bộ KH&CN về ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ về các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, như: báo cáo của Lãnh đạo Trung tâm Thiết kế chế tạo và Thử nghiệm thuộc Cục ĐMST về kinh nghiệm triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ; giới thiệu một số chính sách và kết quả hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, một số công nghệ và giải pháp công nghệ ở trong và ngoài nước cũng được giới thiệu nhằm đáp ứng nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khu vực miền Trung như: công nghệ bảo quản, chế biến cam, bưởi; ứng dụng công nghệ ánh sáng và điều khiển IOT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ proton cấp đông nhanh, giữ nguyên độ tươi của sản phẩm,… Đây là diễn đàn và cơ hội để các Sở KH&CN, chuyên gia và doanh nghiệp cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và trao đổi kinh nghiệm trong triển khai các chính sách, tạo dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục ĐMST Nguyễn Đức Hoàng đánh giá: mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương, doanh nghiệp. Để hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung được sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, thời gian tới, Cục ĐMST sẽ chủ động phối hợp với các Sở KH&CN triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: (1) Hỗ trợ các địa phương trong việc tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua các tổ chức có công nghệ trong nước và mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu chuyển giao công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; (2) Phối hợp, hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, xác định nhu cầu công nghệ trên một số lĩnh vực trọng điểm của các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện công nghệ; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho các doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH&CN để trở thành đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương; (3) Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Cục ĐMST phối hợp với các Sở KH&CN hỗ trợ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung; (4) Hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh/thành phố trong việc thu thập, đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp trong việc ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung./.
Nguồn: SATI