Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước dù có nguồn lực nhưng vướng nhiều rào cản về pháp lý, cơ chế để chi tiền cho đổi mới sáng tạo, startup.
Nút thắt tiêu tiền
Đổi mới sáng tạo là nhu cầu cấp thiết của tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nước và tập đoàn lớn có phần chậm hơn trong cuộc đua đổi mới sáng tạo so với doanh nghiệp vừa và nhỏ hay start up.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp – Viện trường cùng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” diễn ra hôm nay (1/7), bà Lê Minh Anh, Trưởng ban hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), cho rằng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các start up đều có “nỗi đau riêng” trong vấn đề này.
Nếu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải bài toán khó về nguồn vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo thì các tập đoàn lớn lại khó khăn trong việc tiêu tiền cho lĩnh vực này.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, lấy ví dụ từ tập đoàn Viettel và tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ông Thịnh cho biết Viettel từng mong muốn thành lập quỹ khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư cho đổi mới sáng tạo như các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Qualcom hay Samsung. Tuy nhiên hiện nay ý tưởng này vẫn chưa thể triển khai.
Với Petrolimex, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, hiện tập đoàn có tham vọng hiện thực hóa các mục tiêu đổi mới sáng tạo giữa bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.
Ông Thịnh lấy dẫn chứng, Petrolimex muốn phát triển dự án xe bus chạy bằng năng lượng sạch hydrogen, tuy nhiên 1,5 năm chưa thể triển khai. Trong khi đó, doanh nghiệp này có nguồn lực lớn, số dư tiền gửi ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Petrolimex cho biết hiện sở hữu của Nhà nước tại tập đoàn chiếm 75%, ngoài ra có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài. Với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối thì có rất nhiều rào cản, thách thức đối với đổi mới sáng tạo.
Mặc dù lãnh đạo tập đoàn khuyến khích đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng có nhiều rào cản về pháp lý, nghị định, các quy định về việc sử dụng vốn Nhà nước.
Một rào cản khác được đại diện Petrolimex là rào cản về tiếp cận thông tin cũng như các chương trình đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp cho biết rất ít nhận được các thông tin hữu ích về đổi mới sáng tạo liên quan đến các vấn đề đang quan tâm.
Ngoài ra, Petrolimex có thách thức liên quan đến lịch sử kinh doanh lâu đời của doanh nghiệp. Ông lấy dẫn chứng doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh 70 năm và cũng rất muốn đổi mới sáng tạo.
Ví dụ như học hỏi các cây xăng ở nước ngoài chỉ cần 1-2 người vận hành và thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên điều này rất khó để triển khai ở Việt Nam và cũng như không thể giảm số lượng nhân viên bán hàng một cách đột ngột được.
Làm sao để khơi thông nguồn lực?
Ông Thịnh đặt vấn đề là các start up Việt Nam hiện nay rất khó để gọi vốn một đến vài triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, tương đương khoảng 20-30 tỷ đồng. Trong khi đó, đối với các tập đoàn lớn, việc bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để giải quyết các bài toán đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Câu hỏi đặt ra làm sao để khơi thông nguồn lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Chuyên gia tại hội thảo cho rằng cần gỡ rối cơ chế chính sách để các tập đoàn có thể đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đây là vấn đề cần thời gian.
Ông Thịnh gợi ý những giải pháp có thể thực hiện được ngay là kết nối thông tin. Các tập đoàn như Petrolimex có thể công bố thông tin về các bài toán khó cần giải quyết để các bên nghiên cứu, startup tham gia cùng. Để làm được điều này, các tập đoàn cũng cần cung cấp thông tin, dữ liệu rõ ràng hơn.
Ngoài ra các tập đoàn lớn có thể thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo ngay trong nội bộ. Trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm các thông tin, giải pháp mới cho doanh nghiệp. Từ đó việc đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ giúp phát triển hoạt động kinh doanh hiện có mà còn giúp mở ra những ngành nghề, lĩnh vực mới có tiềm năng.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra Lễ công bố Sổ tay về Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Cuốn sổ tay với cách triển khai nội dung đi từ thực tiễn, tham gia bởi các doanh nghiệp đã có các ví dụ điển hình trong sổ tay như Qualcomm, Samsung, Viettel, Petrolimex, CMC…
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị BambuUP, đơn vị phối hợp thực hiện cuốn sổ tay cho biết cuốn sổ tay là tài liệu hệ thống hóa những câu chuyện vận hành đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Cuốn sổ tay này đem đến những định hướng chiến lược hữu ích để các doanh nghiệp có thể khai thác tối ưu các nguồn lực và triển khai áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo một cách phù hợp.