Thứ Bảy, 04 Tháng Năm 2024

Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ"

Chiều 23/11, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp với báo Đất Việt tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ”.

Chiều 23/11, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp với báo Đất Việt tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ”.

Tham gia giao lưu trực tuyến có: TS. Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; TS. Nguyễn Đình Trọng, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam.

GLTT ve ung dung, chuyen giao va doi moi cong nghe

 

Vừa qua, tại Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức thành công hoạt động “Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016” (TechDemo 2016).

Đây là sự kiện thường niên, nhằm mục đích kết nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển công nghệ; hỗ trợ giải quyết nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, phát triển công nghệ từ các tỉnh/thành phố; đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn hoạt động trong giai đoạn mới để nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, địa phương.

Hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ được tổ chức lần này là nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ theo định hướng được nêu trong Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 33/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian gần đây.

Hoạt động TechDemo 2016 đã được tổ chức với chuỗi các nội dung bao gồm: Trình diễn, giới thiệu công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ; Tư vấn công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật; Tư vấn kết nối tài chính và công nghệ; Hội thảo “Ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế”; Hội thảo quốc tế “Kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc năm 2016”; Diễn đàn quốc tế: Xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Về tổng thể, TechDemo 2016 đã có những điều chỉnh, đổi mới căn bản trong nội dung, cách thức tổ chức triển khai: Hệ thống cơ sở dữ liệu cung, cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ đã được hình thành để thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ online; hoạt động tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ, kết nối tài chính và công nghệ, diễn đàn quốc tế xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài đã được tăng cường, từ đó sẽ mang lại những thành quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiệu quả hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc.

Các hoạt động trong sự kiện có sự tham gia của trên 1500 lượt đại biểu, khách mời là các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước; Lãnh đạo Bộ KH&CN; Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; Đại diện Lãnh đạo các tỉnh/thành khu vực phía Bắc; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành có liên quan; Lãnh đạo các Sở KH&CN; Đại diện các Viện/Trường/Hiệp hội; các đơn vị nước ngoài; các Chương trình/Quỹ/Dự án đầu tư cho công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí cùng hơn 100 đơn vị tham gia trình diễn, giới thiệu công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu.

Để chia sẻ với bạn đọc về việc ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, chiều 23/11, các khách mời có cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Đất Việt:

1. TS. Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN

2. TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT

3. TS. Nguyễn Đình Trọng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam 

GLTT ve ung dung, chuyen giao va doi moi cong nghe
Các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến tại Báo Đất Việt.

Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của việc trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ?

Lê Thị Trang , 27 tuổi , Hà Nội

TS. Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN: Mục đích là phát triển thị trường công nghệ, giúp nhà khoa học công nghệ chuyển giao nghiên cứu của mình. Giúp cho doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ tìm kiếm được ứng dụng công nghệ mình mong muốn. Ý nghĩa của hoạt động sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Việc này giúp thúc đẩy thương mại hóa các kết quả trong nước.

Để đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, theo ông cần có chính sách gì để gắn kết giữa Viện, trường, doanh nghiệp?

Lâm Trí Dũng , 39 tuổi , Hậu Giang

TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch:

Thứ nhất, đối với Bộ KH-CN, hiện đã có nhiều chương trình KH-CN để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới khoa học để đổi mới công nghệ quốc gia. Để thúc đẩy và phát triển hoạt động khoa học thì vai trò của Cục Ứng dụng KH-CN là rất quan trọng. Mà theo tôi, ngoài các sự kiện trình diện TechDemo cần xúc tiến hình thành và phát triển các điểm, trung tâm kết nối cung cầu trực tuyến mà tại đó có đầy đủ các cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia nhằm tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp có nhu cầu về đổi mới công nghệ. 

Thứ hai, đối với các cơ quan quản lý khoa học tại địa phương và cụ thể là Sở KH-CN các tỉnh, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ. Mặt khác, thông qua doanh nghiệp nắm bắt và tổng hợp các nhu cầu về đổi mới công nghệ từ thực tiễn sản xuất.  Đây là một thông tin rất quan trọng để có thể xây dựng các nhiệm vụ đặt hàng ở các cấp cao hơn như ở cấp Bộ, cấp Nhà nước. 

Thứ ba, đối với các Viện nghiên cứu và các trường Đại học, là những cơ quan có tiềm năng nghiên cứu để tạo ra công nghệ mới. Từ trước đến nay, hạn chế với các viện này là thiếu cách tiếp cận từ thực tiễn sản xuất nên hiệu quả trong nghiên cứu là chưa cao. Trong giai đoạn tới, ngoài việc tham gia sự kiện TechDemo có thể đề xuất các đặt hàng trực tiếp từ địa phương. 

Đối với Viện, trường thì cần các nghiên cứu thăm dò, giải mã công nghệ mới thì mới để có nguồn cung thông tin có chất lượng và giá chuyển giao công nghệ sẽ thấp hơn.

Đến với TechDemo, T-Tech nhận được sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào, thưa ông?

Hoàng Quỳnh Dương , 40 tuổi , Đà Lạt

TS. Nguyễn Đình Trọng: Chúng tôi được hỗ trợ khá nhiều, đặc biệt khi T-Tech được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là một doanh nghiệp tương đối tiêu biểu, có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ, nhiều sản phẩm mới được tung ra hàng năm. Do vậy, chúng tôi thường xuyên được hỗ trợ các gian hàng miễn phí, hỗ trợ về thông tin nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp.

Chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành, với nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ khác thông qua các diễn đàn chuyên sâu về công nghệ. Đó là những lợi ích không nhỏ mà doanh nghiệp có được từ sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, TechDemo được tổ chức ngày một quy mô và đi vào thực chất hơn. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào?

Cao Lâm , 33 tuổi , Quảng Ngãi

TS. Phạm Anh Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Vì thực tế xuất phát từ nhu cầu phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh đối với sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Chính vì vậy, nhu cầu tìm kiếm công nghệ đối với các doanh nghiệp là rất cần thiết. 

Mặt khác, đối với các viện, trường, là những nguồn cung công nghệ, đã có sự thay đổi đáng kể về phương thức hoạt động cũng cần có thị trường để sử dụng sản phẩm nghiên cứu của mình đặc biệt trong giai đoạn các viện trường đang hướng theo xu hướng tự chủ trong hoạt động, đúng chức năng của mình. 

Các khách mời đang giao lưu với độc giả cả nước về chủ đề ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ
Các khách mời  giao lưu với độc giả cả nước về chủ đề ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ

Đối với một Viện nghiên cứu ứng dụng theo ông TechDemo có những tác động tích cực như thế nào?

Nguyễn Hoàng Đạt , 31 tuổi , Bình Dương

TS. Phạm Anh Tuấn: Tôi đánh giá rằng, tác động tích cực là cơ hội để các nhà khoa học giới thiệu và trình diễn những kết quả nghiên cứu mới nhất đến với những đối tượng có nhu cầu đổi mới công nghệ. 

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học gặp mặt để trao đổi thông tin, tư vấn, kết nối, chuyển giao công nghệ. 

Kết quả trình diễn khoa học này tạo được động lực thúc đẩy trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có hiệu quả hơn, phù hợp với cơ chế tự chủ trong giai đoạn hiện nay đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập.

Trải qua thực tế 6 lần tổ chức trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ, theo ông cần có cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN?

Đặng Quang Thái , 35 tuổi , Huế

TS. Tạ Việt Dũng:

Trải qua thực tế 6 lần tổ chức sự kiện Techdemo, chúng tôi nhận thấy rằng, trong những năm vừa qua Bộ KH&CN đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực để thúc đẩy thị trường KH-CN phát triển, trong đó có việc soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện những cơ chế chính sách. 

Tuy nhiên, để thị trường KH-CN phát triển hơn nữa, cần có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động nhập khẩu công nghệ, giúp tăng nguồn cung công nghệ trong nước. Cần có cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và giải mã công nghệ đối với những công nghệ không thể tìm kiếm và mua được. Song song, cần có cơ chế để hỗ trợ mạnh hơn nữa những doanh nghiệp đổi mới công nghệ được tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi. 

Ngoài ra cần những cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh hơn nữa những tổ chức môi giới và chuyển giao công nghệ, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận một cách thuận lợi nhất với những nguồn cung công nghệ. Hiện tại, Bộ KH&CN đang trình Quốc hội Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi theo hướng giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ được thuận lợi hơn.

Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò và quy mô tổ chức TechDemo thời gian qua?

Trương Trọng Vinh , 55 tuổi , TP.HCM

TS. Nguyễn Đình Trọng: Tôi cho là rất tốt. Không có TechDemo thì không có thương hiệu lớn T-Tech ngày hôm nay, nói vậy không có nghĩa hoàn toàn nhờ vào TechDemo nhưng TechDemo đã đem lại nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm Khoa học Công nghệ, được hợp tác và giúp chúng tôi tự tin hơn trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm Khoa học Công nghệ của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được giao lưu học hỏi từ các đơn vị bạn, được biết nhiều hơn, giúp cho tự tin hơn trong quá trình ra quyết định của mình.

Xin ông cho biết một số định hướng nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ trong thời gian tới? 

Tống Thái Trung , 42 tuổi , Nam Định

TS. Tạ Việt Dũng :

hận thức được vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách lớn nhằm phát triển KH-CN như: Nghị quyết TW 2 (Khóa VIII) về KH-CN định hướng chiến lược phát triển KH-CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị TW 6 (Khóa XI) về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là những chính sách chủ trương lớn về lĩnh vực KH-CN.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: "Tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KH-CN, thực hiện cơ chế thị trường và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-CN và sản xuất kinh doanh. Định hướng "Chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta". 

Trong thời gian tới, Chính phủ trình Quốc hội để sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ. Đây cũng là một các hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ trong thời gian tới.

Mỗi lần đến Techdemo, tôi có dành sự quan tâm đến gian hàng của một số doanh nghiệp nước ngoài. Vậy, ông đánh giá như thế nào về việc hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ. Xin ông điểm lại một số kết quả nổi bật của quá trình này?

Đinh Tuyết Lan , 29 tuổi , Vĩnh Long

TS. Tạ Việt Dũng  : 

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định nhập khẩu công nghệ phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong nước cần được ưu tiên. 

Vì vậy, việc hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là hết sức quan trọng. Để làm được việc này, trong những năm vừa qua, Bộ KH-CN đã trình Chính phủ phê duyệt một số chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ cũng đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, CH Séc... để tìm kiếm, lựa chọn các công nghệ phù hợp với nhu cầu và năng lực tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Trên cơ sở đó, giới thiệu nhiều công nghệ thông qua các gian hàng của doanh nghiệp nước ngoài. Trong thời gian tới, Cục sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện với các tổ chức quốc tế, đặc biệt chú trọng đến các hoạt động chia sẻ, khai thác dữ liệu về nguồn cung công nghệ, phân tích, đánh giá, lựa chọn những công nghệ phù hợp nhất với nhu cầu đổi mới công nghệ hiện nay.

Tính đến nay, Viện đã tham gia TechDemo được mấy lần, thưa ông ? Thông qua những lần tham gia TechDemo đối với Viện đã có những bài học kinh nghiệm gì ? Những giải pháp đổi mới cách tiếp cận để có hiệu quả hơn?

Trần Quang Thái , 40 tuổi , Thái Nguyên

TS. Phạm Anh Tuấn:

- Xác định được tác động tích cực của hoạt động Tech Demo nên Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã tham gia liên tục trong 4 lần gần đây.

- Bài học kinh nghiệm sau 4 lần tham gia TechDemo: (1) Cần lựa chọn những sản phẩm khoa học có tính mới, tính cạnh tranh và phù hợp với đặc thù của các vùng kinh tế (2) Quan tâm đến đối tượng của các DNVVN là khu vực có nhu cầu và năng lực trong đầu tư đổi mới công nghệ (3) Quan tâm đến hoạt động tư vấn đối với các doanh nghiệp, mặt khác thu thập và tổng hợp thông tin về nhu cầu đổi mới công nghệ...

- Giải pháp đổi mới: (1) Tăng cường các sản phẩm và mô hình trình diên tại sự kiện TechDemo (2) Đội ngũ chuyên gia tư vấn và Giới thiệu công nghệ (3) Phối hợp với các thông tin ứng dụng thiết bị Khoa học công nghệ các tỉnh để nắm bắt và xử lý các nhiệm vụ đặt hàng, cũng như xúc tiến triển khai công tác chuyển giao công nghệ đến các địa phương. 

Ông có thể cho độc giả biết về thực trạng nguồn cung – nguồn cầu công nghệ của Việt Nam hiện nay?

Trần Trang Nhung , 29 tuổi , Cần Thơ

TS. Tạ Việt Dũng  : 

Thông qua hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trong những năm vừa qua đã xác nhận hơn 300 nhu cầu công nghệ trong cả nước, thuộc các nhóm ngành như công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí chế tạo, công nghệ xử lí môi trường... và cũng đã tìm kiếm trên 1000 nguồn cung công nghệ trong nước phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. 

Hiện nay nhu cầu về chuyển giao công nghệ và cung cấp máy móc thiết bị chiếm đến 64% tổng số nhu cầu công nghệ trong các doanh nghiệp và tập trung chủ yếu ở các khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông nam bộ.

Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi và điều tra nhiều năm, có thể thấy rằng, nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Nguồn cung công nghệ nước ngoài vẫn thu hút được sự quan tâm đáng kể của doanh nghiệp trong nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu... một phần do yêu cầu nghiêm ngặt của các đối tác nước ngoài khi đàm phán nhập khẩu các hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. 

Bên cạnh đó, nguồn cung công nghệ trong nước đang tiếp cận với nhu cầu thực tế của thị trường. Các viện, trường đã quan tâm phát triển các công nghệ hoàn chỉnh để tích hợp trong các dây chuyển sản xuất hơn là các nghiên cứu chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm như trước đây. Mức độ quan tâm của nguồn cung công nghệ trong nước của doanh nghiệp cũng tăng dần.

 Trên cơ sở các kết quả tìm kiến nguồn cung công nghệ, các chuyên gia đã nghiên cứu lựa chọn và xây dựng cẩm nang công nghệ, trong đó giới thiệu hơn 500 các quy trình, thiết bị công nghệ của các tổ chức, cá nhân. Cẩm nang công nghệ là những thông tin hữu ích đặc biệt ý nghĩa với các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân có nhu cầu đổi mới, chuyển giao công nghệ.

T-Tech đã tham gia TechDemo bao nhiêu lần? Tại TechDemo, T-Tech đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ bao giờ chưa? Xin ông cho biết cụ thể? Xin ông nhấn mạnh đến hiệu quả của việc ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ đó?

Nguyễn Hà Giang , 47 tuổi , Hà Giang

TS. Nguyễn Đình Trọng: T-Tech đã được tham gia chương trình TechDemo 4 lần, ký 5 biên bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển Khoa học Công nghệ, phân phối sản phẩm hàng hóa.

Và, chúng tôi đã ký được 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ, cung cấp 16 Lò đốt rác thải sinh hoạt cho các Thị trấn, các Huyện, có tổng trị giá trên 30 tỉ đồng. Cụ thể là, chúng tôi đã cung cấp và chuyển giao công nghệ Lò đốt rác cho các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Trà Vinh và Long An.

Lò đốt rác của T-Tech có công nghệ khác biệt, có khả năng xử lý rác đạt hiệu quả cao, chi phí vận hành thấp, giá thành rẻ hơn các sản phẩm ngoại nhập từ Thái Lan, Nhật Bản, Anh quốc. Đặc biệt, phù hợp hơn với việc xử lý rác chưa được phân loại từ đầu nguồn như rác thải sinh hoạt tại Việt Nam.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, Bộ KH&CN đã nỗ lực và hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN và đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian ra sao, thưa ông?

Phạm Xuân Trường , 30 tuổi , Hồ Chí Minh

TS. Tạ Việt Dũng: Để đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN, trong thời gian vừa qua Bộ KH-CN được giao sửa đổi một số điều của Luật chuyển giao công nghệ và sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới. 

Trong đó, tập trung sửa đổi một số điều nhằm thúc đẩy hơn nữa thị trường KH-CN, theo hướng hỗ trợ và khuyến khích để thành lập mới và phát triển các tổ chức trung gian. 

Đồng thời hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho các tổ chức. Ngoài ra, các tổ chức sẽ được hỗ trợ để tiếp cận thông tin về nguồn cung - cầu công nghệ và các kết quả nghiên cứu có khả năng thương mại hóa cao...

Mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ của Việt Nam có điểm gì mới so với mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…, thưa ông? 

Trần Nhật Tú , 36 tuổi , Sài Gòn

TS. Tạ Việt Dũng :

Mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ của Việt Nam được tiếp thu và kế thừa theo các mô hình hoạt động của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Tuy nhiên, các mô hình đã được nghiên cứu và điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, trong đó tập trung vào điều tra và khảo sát để nắm bắt những nhu cầu đổi mới công nghệ dưới các hình thức điều tra trực tiếp hoặc gián tiếp. Đối với các nước phát triển, việc thống kê các nhu cầu này khá dễ dàng thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Các doanh nghiệp cũng tự giác thông tin về nhu cầu công nghệ tới các tổ chức của quốc gia. Tại Việt Nam, hệ thống thống kê này còn chưa phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tin tưởng và tự động khai báo. Vì vậy, phải điều chỉnh hình thức điều tra khảo sát cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam. 

Do trình độ phát triển của Việt Nam còn chưa theo kịp các nước phát triển, vì vậy nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn tâp trung lớn vào việc thay đổi một phần công nghệ hoặc quy trình công nghệ. Do vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn kỹ thuật lớn hơn so với các nước phát triển. Đối với các nước phát triển, tỷ lệ giữa tư vấn về kỹ thuật và thay đổi quy trình công nghệ ít hơn nhiều so với nhu cầu đổi mới toàn bộ công nghệ.  

TS. Tạ Việt Dũng trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến
TS. Tạ Việt Dũng trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua TechDemo được tổ chức khá thành công. Xin ông chia sẻ với độc giả về hiệu quả của TechDemo trong những năm vừa qua?

Trần Minh Hoàng , 40 tuổi , Hà Nội

TS. Tạ Việt Dũng:

Hoạt động Techdemo thường niên (bắt đầu từ năm 2011) nhằm kết nối, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp và tổ chức tại địa phương. Hoạt động đã lựa chọn được hơn 800 công nghệ, thiết bị, kết quả của hơn 400 tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đưa vào trưng bày và giới thiệu, công bố, trình diễn tại các kỳ tổ chức sự kiện.

Các công nghệ tham gia trình diễn giới thiệu là các công nghệ đã được đánh giá, lựa chọn và sẵn sàng chuyển giao (thông qua hoạt động điều tra, khảo sát đánh giá trực tiếp cos ự tham gia của các chuyên gia công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau) để đáp ứng nhu cầu về công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, phù hợp với nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố. 

Hỗ trợ 250 lượt tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu (các doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi sản phẩm hoặc đổi mới một phần các công nghệ sẵn có...) với sự tham gia của trên 130 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước tư vấn cho hơn 100 doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn về công nghệ.

TechDemo đã tổ chức 28 hội thảo, tọa đàm chuyên đề chuyên sâu trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu các công nghệ mới, xúc tiến kết nối chuyển giao công nghệ cho gần 2000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố. 

Đặc biệt, năm 2016 để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong việc tiếp cận công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, Cục đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu cung-cầu công nghệ trực tuyến. Hệ thống phần mềm xử lý cơ sở dữ liệu công nghệ, gồm: Dữ liệu về nhu cầu đổi mới công nghệ, nhu cầu tư vấn cải tiến kỹ thuật, nhu cầu liên doanh liên kết dựa trên công nghệ...; dữ liệu các công nghệ sẵn sàng chuyển giao trong và ngoài nước; dữ liệu về chuyên gia tư vấn công nghệ; dữ liệu doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực. 

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất mà TechDemo các năm hướng tới là bắt đầu từ những nhu cầu đổi mới công nghệ thực sự trong các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tìm kiếm các nguồn cung công nghệ, cũng như tư vấn kỹ thuật phù hợp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học tham gia hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ dễ dàng tìm ra những tiếng nói chung để tiến hành chuyển giao công nghệ. Chúng tôi cũng đã ghi nhận được những tín hiệu tích cực từ các đơn vị cung công nghệ trong nước về hiệu quả gia tăng về số lượng và chất lượng của hoạt động chuyển giao công nghệ của các đơn vị thông qua cầu nối này.

Nguồn: Báo Đất Việt

Bài viết liên quan

Website Liên kết