Thứ Bảy, 27 Tháng Tư 2024

Qui định về công chức thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ

Thông tư số 24/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành khoa học và công nghệ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2016, bãi bỏ Quyết định số 18/2007/QĐ-BKHCN ngày 6/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của thanh tra viên Khoa học và Công nghệ”.

Theo đó về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra thì thanh tra viên phải đảm bảo tiêu chuẩn chung quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.

Thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP.

Công chức thanh tra chuyên ngành phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các tiêu chuẩn: Nắm vững các quy định về chuyên môn, quy tắc quản lý liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (đối với công chức thanh tra chuyên ngành của Tổng cục) hoặc an toàn bức xạ và hạt nhân (đối với công chức thanh tra chuyên ngành của Cục); có ít nhất 2 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (không kể thời gian tập sự); có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thanh tra được phân công thực hiện; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành.

Tổng cục trưởng, Cục trưởng có thẩm quyền công nhận, thôi công nhận công chức thanh tra chuyên ngành. Vụ Pháp chế - Thanh tra của Tổng cục, Thanh tra Cục (sau đây gọi chung là bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành) tiến hành rà soát, lựa chọn công chức đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 6 Thông tư này lập hồ sơ để trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng xem xét, lựa chọn và quyết định công nhận công chức thanh tra chuyên ngành.

Trường hợp công chức thanh tra chuyên ngành thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 4 Điều này, bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng quyết định thôi công nhận công chức thanh tra chuyên ngành.

Hồ sơ đề nghị công nhận công chức thanh tra chuyên ngành gồm: Văn bản đề nghị công nhận công chức thanh tra chuyên ngành của bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành; sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 6/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu hồ sơ quản lý cán bộ, công chức có xác nhận của thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức; bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp tiêu chuẩn công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định của Thông tư này.

Quyết định công nhận công chức thanh tra chuyên ngành phải có các nội dung: Căn cứ ban hành quyết định; thông tin về công chức được đề nghị công nhận, gồm: Họ và tên, ngạch công chức, chức vụ đang giữ, lĩnh vực được giao thanh tra, làm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Quyết định thôi công nhận công chức thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp: Công chức được điều động, luân chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác không phải là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ; có đơn tự nguyện xin thôi làm công chức thanh tra chuyên ngành; không hoàn thành nhiệm vụ công tác thanh tra chuyên ngành trong 2 năm liên tiếp; vi phạm kỷ luật công vụ và bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên; vì lý do khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phải có các thông tin căn cứ ban hành quyết định; thông tin về công chức được đề nghị thôi công nhận, gồm: Họ và tên, ngạch công chức, chức vụ đang giữ, lĩnh vực được giao thanh tra chuyên ngành, làm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; thời điểm tính thôi công nhận công chức thanh tra chuyên ngành.

Công chức thanh tra chuyên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg ngày 27/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành và các quy định pháp luật khác liên quan. Công chức thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

Về cộng tác viên thanh tra, Điều 9 quy định, ngoài những tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 22 Nghị định số 97/2011/ NĐ-CP, cộng tác viên thanh tra phải am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của cơ quan trưng tập; có khả năng phân tích, tổng hợp và viết báo cáo; đối với nội dung thanh tra liên quan đến lĩnh vực chuyên môn sâu, ngoài các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, các cộng tác viên thanh tra tham gia Đoàn thanh tra phải hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành được trưng tập (trong hoặc ngoài nước) ít nhất 2 năm.

Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Cục và Chánh Thanh tra Sở có quyền trưng tập cộng tác viên thanh tra. Căn cứ hệ thống cộng tác viên thanh tra đã được thiết lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Thông tư này và kết quả khảo sát, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Cục, Chánh Thanh tra Sở có văn bản đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp cử người được trưng tập. Nội dung văn bản trưng tập phải nêu cụ thể căn cứ trưng tập, đối tượng trưng tập, yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian trưng tập, chế độ và các nội dung khác liên quan.

Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Cục và Chánh Thanh tra Sở có quyền không đưa người được trưng tập tham gia đoàn thanh tra nếu người được trưng tập không đáp ứng yêu cầu về đối tượng, chuyên môn, kinh nghiệm hoặc lý do khác để bảo đảm khách quan trong quá trình thanh tra.

Điều 11, Thông tư quy định về chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra, được cơ quan quản lý trực tiếp trả nguyên lương và phụ cấp (nếu có); được cơ quan trưng tập chi trả tiền công tác phí, bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc cần thiết và các quyền lợi khác như thành viên của Đoàn thanh tra; được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra; được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.

Kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục, Thanh tra Sở bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước. Hàng năm, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Cục, Chánh Thanh tra Sở lập dự toán kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra được cấp ngoài định mức khoán chi hành chính theo biên chế.

Về đánh giá kết quả công tác của cộng tác viên thanh tra, Điều 13 quy định, khi kết thúc thời gian trưng tập hoặc thời gian thanh tra, cơ quan trưng tập phải có văn bản nhận xét, đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của cộng tác viên thanh tra gửi cho thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người được trưng tập.

Nội dung nhận xét, đánh giá gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật; kiến nghị khen thưởng, kỷ luật (nếu có).

Lê Nguyên (Thanh Tra)

Bài viết liên quan

Website Liên kết