Thứ Hai, 29 Tháng Tư 2024

Ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành thuỷ sản

Hơn 150 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, nhà quản lý, nhà khoa học ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường đại học; các công ty, doanh nghiệp tham dự Hội thảo chuyên đề “Giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu”, chiều 13/12, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì. Đây là hoạt động cuối của chuỗi hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Festival Tôm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo.

Thời gian qua, các Bộ, ngành trung ương, địa phương không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, công nghệ cao vào phát triển thủy sản tỉnh Cà Mau.

Trong giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ hơn 145 đề tài/dự án, có trên 70% là đề tài/dự án lĩnh vực ngư-nông-lâm nghiệp.

Trong đó, lĩnh vực khai thác và bảo quản hải sản ứng dụng công nghệ cao, nổi bật với các ứng dụng công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh bằng hầm bảo quản hải sản vật liệu PU trong khai thác xa bờ; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa công tác quản lý trên biển bằng phần mềm quản lý tàu cá và việc lắp đặt hệ thống thông tin giám sát tàu cá.

Lĩnh vực nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: Quy trình nuôi tôm tuần hoàn RAS không xả thải, quy trình 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ biofloc, semibiofloc, CP, nuôi tôm an toàn sinh học... năng suất trung bình từ 30-50 tấn/ha, cá biệt lên 72 tấn/ha, đã và đang được triển khai ứng dụng mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Tuy nhiên, Cà Mau đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến sự phát triển bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản: Đầu tư hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ khai thác còn lạc hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; nguồn lực về tài chính đầu tư cho công nghệ cao còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế chính sách chưa thu hút đầu tư từ doanh nghiệp tham gia.

Các diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ cao để phát triển ngành hàng thuỷ sản.  

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những vấn đề hữu ích, thiết thực nhằm gợi mở để từng bước tháo gỡ những khó khăn, thách thức cho ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau trong nghiên cứu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và đề xuất giải pháp trong thời gian tới; về ứng dụng quy trình tuần hoàn (RAS) trong nuôi tôm siêu thâm canh thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số trong nuôi tôm siêu thâm canh trung hòa cacbon; ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất giống tôm thẻ chân trắng thích ứng biến đổi khí hậu; một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến tôm đáp ứng thị trường xuất khẩu,…

Với những chia sẻ của các diễn giả, chuyên gia cho sự phát triển ngành tôm tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện trong tỉnh nghiên cứu, sớm phổ biến thông tin về những ứng dụng khoa học công nghệ hữu ích cho người nuôi tôm, các doanh nghiệp để triển khai nhân rộng vào sản xuất, chế biến. Trong đó, cần ưu tiên ứng dụng các quy trình công nghệ thân thiện môi trường, hướng đến giảm phát thải; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh đồng thời mong muốn các Viện, trường, các cơ quan nghiên cứu cần gắn kết hơn nữa với tỉnh Cà Mau để chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất của đơn vị trong phát triển ngành tôm của tỉnh./.

Liên kết nguồn tin: Ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành thuỷ sản (baocamau.vn)

Bài viết liên quan

Website Liên kết