Thử nghiệm chính sách công của Thái Lan
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới (Đan Mạch, Vương Quốc Anh và một số quốc gia châu Âu) đã tìm kiếm những cách thức mới để xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách công. Tháng 9/2020, Thái Lan đã thành lập “Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan” - Phòng thí nghiệm chính sách công đầu tiên của nước này. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC).
Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan là không gian cho phép thử nghiệm và chấp nhận sai sót trong quá trình thiết kế chính sách chung tích hợp giữa các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội và người dân.
Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan đặt con người làm trung tâm của sự thay đổi chính sách vì nhiều quốc gia đang phát triển như Thái Lan đang phải đối mặt với những thách thức đa dạng, phức tạp và thay đổi nhanh chóng, nhất là về mặt công nghệ. Do đó, cần thiết có một cơ quan nghiên cứu và tìm ra giải pháp cho các vấn đề khác nhau một cách toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan được thành lập để đưa ra câu trả lời cho những thách thức rất phức tạp và đa chiều mà Thái Lan đang phải đối mặt ngày nay, mà thường không thể giải quyết được bằng một phương pháp duy nhất. Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan sẽ là nơi để nắm bắt từ đầu quá trình, bắt đầu từ giai đoạn thiết kế chính sách, thử nghiệm và đề xuất chính sách. Nơi đây sẽ mở ra không gian cho các thử nghiệm chính sách trước khi mở rộng lên quy mô lớn trên toàn quốc. Và đây là một trong những điểm nổi bật quan trọng vì từ trước đến nay Thái Lan chưa bao giờ có phòng thí nghiệm trong quá trình thiết kế chính sách công, nghĩa là Thái Lan chưa bao giờ đưa ra chính sách dưới hình thức thử nghiệm trước và sau đó mở rộng kết quả thực tế. Đó là điều mà Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan tạo ra sự khác biệt với việc hoạch định chính sách truyền thống trước đây bởi Phòng thí nghiệm chính sách sẽ hỗ trợ "Làm cho quá trình ra quyết định và thiết kế chính sách trở nên dân chủ hơn, để người dân có thể vào cuộc và lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau của đất nước. Giúp cải cách đất nước vì việc hoạch định chính sách từ trước đến nay thường là thẩm quyền của giới thượng lưu".
Có 5 nguyên tắc cơ bản cho việc tạo ra sự đổi mới trong chính sách công của Thái Lan gồm: (1) Các vấn đề về khoa học, công nghệ và xã hội đang ngày càng trở nên rất phức tạp. Do đó, các quy định chính sách hoặc xây dựng chính sách thay thế phải tập trung vào việc tiếp thu cái mới và luôn cởi mở với những quan điểm mới, nâng cao chất lượng nội dung phân tích và đề xuất, tạo cơ hội thử nghiệm chính sách, đáp ứng nhu cầu của xã hội; (2) Giải quyết vấn đề hiệu quả phải bằng tư duy hệ thống nên cần phải hiểu vấn đề hoặc tình huống một cách có hệ thống, có khả năng xác định và phân tích phạm vi của vấn đề như các cơ chế, quy trình và các bên liên quan có thể có tác động đến vấn đề; (3) Thúc đẩy sự tham gia toàn diện của tất cả các bên, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động của chính sách trong việc hoạch định, xây dựng chính sách công, giúp việc thiết kế các giải pháp thay thế giải pháp trước một cách thực tế hơn; (4) Tập trung vào hành động thực tế để tạo ra hiệu quả hơn là đưa ra một kế hoạch về chính sách công hoàn hảo. Vì nhiều vấn đề và tình huống trong thực tế rất phức tạp nên con người sẽ không có thông tin và kiến thức đầy đủ khi tình hình liên tục thay đổi. Tuy nhiên việc hoạch định chính sách công vẫn đòi hỏi nhiều vào việc nghiên cứu và phân tích trước khi ban hành vì các chính sách không phù hợp có thể gây ra hậu quả khôn lường; (5) Xem xét những đối tượng liên quan như con người để xây dựng chính sách công một cách phù hợp nhất. Đánh giá, thử nghiệm các đề xuất chính sách để xác định cách tiếp cận nào là khả thi nhất trước khi chuẩn bị đề xuất chính sách tiếp theo.
Một số kết quả thử nghiệm chính sách công đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan
Việc xây dựng chính sách công hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, mà cần sự tham gia đồng thời của các cấp chính quyền, các ngành lập pháp, tư pháp và các tổ chức độc lập. Tại Thái Lan, Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới có vai trò hỗ trợ phát triển năng lực công nghệ và đổi mới trong lĩnh vực công nghiệp của Thái Lan, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có cơ chế chuyển giao công nghệ phù hợp với chính sách của Chính phủ. Từ đó, giúp doanh nghiệp SME trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế, giúp đất nước phát triển dựa trên công nghệ.
Chuyên gia tư vấn công nghệ của Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới của Thái Lan sẽ dự báo vấn đề của các doanh nghiệp dựa trên tình hình thực tế và tuyển dụng các chuyên gia chuyên ngành để cung cấp các tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp SME trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của họ dựa vào công nghệ và tiến hành đổi mới sáng tạo một cách phù hợp nhất.
Từ năm 2006 đến nay, Chương trình hỗ trợ công nghệ và đổi mới (ITAP -Innovation and Technology Assistance Programe) đã hỗ trợ tư vấn ban đầu về công nghệ (Phân tích sơ bộ), giúp giải quyết vấn đề cho hơn 28.000 doanh nghiệp SME của Thái Lan. Hiện nay, Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển Chương trình này và biến nó trở thành một dự án hỗ trợ phát triển công nghệ và đổi mới chuyên sâu (Giải pháp công nghệ) với hơn 19.000 dự án thuộc lĩnh vực phát triển công nghệ, đổi mới, phát triển sản phẩm và quy trình hoặc nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Riêng năm 2018, Chương trình ITAP đã cung cấp hơn 1.600 giải pháp công nghệ, chiếm giá trị ước tính 3 tỷ Baht và tạo ra những tác động nhất định đến nền kinh tế và xã hội của Thái Lan. Đến nay, Chương trình ITAP đã giúp các doanh nghiệp SME tăng thêm hơn 37 tỷ Baht tiền lợi nhuận và giá trị đầu tư, riêng đối với khu vực tư nhân đã tăng thêm hơn 9,6 tỷ Baht.
Thông qua thử nghiệm chính sách, Thái Lan cũng đã thành lập Cục Tiêu chuẩn Công nghiệp (TIS) để thiết lập các tiêu chuẩn quan trọng cơ bản ở nước này, như tiêu chuẩn an toàn (TIS 1561) và tiêu chuẩn tương thích điện từ (TIS 1956), giúp cải thiện các tiêu chí chứng nhận chất lượng cho các sản phẩm. Việc chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn và hệ thống làm việc của các tổ chức chứng nhận sản phẩm được quốc tế công nhận sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ cũng tập trung hỗ trợ chuyển giao kiến thức cho người mua và doanh nghiệp Thái Lan để nâng cao hiểu biết và nhận thức về công nghệ mới, qua đó làm giảm rủi ro của người mua và nâng cao khả năng của các doanh nghiệp Thái Lan trong việc lựa chọn công nghệ chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu sử dụng trong nước và được kiểm tra, chứng nhận bởi các cơ quan có chuyên môn trách nhiệm phù hợp.
Kinh nghiệm đối với Việt Nam
Dựa trên kinh nghiệm xây dựng “Phòng thí nghiệm chính sách quốc gia Thái Lan”, chúng ta thấy đây không chỉ là mô hình thử nghiệm chính sách thành công ở Thái lan mà còn là mô hình cho các nước láng giềng trong nhóm ASEAN tham khảo, nghiên cứu thực hiện trong tương lai. Nhìn từ kinh nghiệm xây dựng chính sách công của Thái Lan, đó phải là quá trình liên tục và liên quan mật thiết đến lợi ích của người dân. Từ đó, một số gợi suy đối với Việt Nam trong việc xây dựng công cụ thích hợp để thiết kế chính sách công như: (i) Thành lập những đơn vị phân tích và thiết kế các chính sách công độc lập; (ii) Thực hiện một cách thường xuyên và liên tục việc đánh giá kết quả thành công của các chính sách công; (iii) Việc xây dựng chính sách công cần có nhiều ý tưởng và công cụ để triển khai, chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân và các bên liên quan; (iv) Xây dựng cơ chế phân tích và đánh giá tính hiệu quả, mức độ ảnh hưởng, sự phù hợp của chính sách công.
Với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ hơn 95% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, nên chăng Việt Nam cũng cần sớm xây dựng Chương trình hỗ trợ tương tự như Chương trình ITAP để cung cấp hỗ trợ tư vấn ban đầu về công nghệ (Phân tích sơ bộ) và từ đó phát triển hơn nữa, nhân rộng mô hình này để biến nó trở thành dự án hỗ trợ phát triển công nghệ và đổi mới chuyên sâu (Chuyên về giải pháp công nghệ) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta trong những năm tới. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022./.