Thứ Hai, 20 Tháng Năm 2024

Công nghệ mới ứng dụng cho Xây dựng hạ tầng giao thông

Ngày 9/6/2015, tại Ks. Grand, Tp. Hồ Chí Minh, Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan phát triển hạ tầng giao thông Hàn Quốc (KAIA) tổ chức hội thảo “Công nghệ mới ứng dụng cho xây dựng hạ tầng giao thông”

Ngày 9/6/2015, tại Ks. Grand, Tp. Hồ Chí Minh, Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan phát triển hạ tầng giao thông Hàn Quốc (KAIA) tổ chức hội thảo “Công nghệ mới ứng dụng cho xây dựng hạ tầng giao thông”. Hội thảo nhằm giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải; đồng thời làm tăng cường mối quan hệ, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 

                                                              
Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Công tác phía Nam cùng hơn 200 đại biểu đến từ các sở giao thông vận tải, sở xây dựng, viện nghiên cứu, trường đại học khu vực phía Nam và đông đảo các doanh nghiệp của Việt Nam, Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã xác định việc phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược phát triển KT – XH ở Việt Nam từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Vì thế, qua hội thảo này, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc có cơ hội trao đổi, trình bày, thảo luận và chuyển giao được những công nghệ mới, chất lượng cao, phù hợp với thực tiễn hạ tầng của Việt Nam. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm, hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai một số chương trình nhằm khuyến khích việc chuyển giao các công nghệ mới, phù hợp từ nước ngoài vào Việt Nam, như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển thị trường KHCN,… Bộ KH&CN mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các chương trình này để nhận được những chính sách ưu đãi nhằm đưa các công nghệ mới vào phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã có từ lâu, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thiện ý luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới vào thực tiễn tại Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần có những doanh nghiệp đủ mạnh, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ.

 Hàn Quốc trong quá khứ đã từng tiếp nhận công nghệ mới từ nhiều nước tiên tiến, từ đó đúc kết thành nền tảng kỹ thuật công nghệ, để phát triển kỹ thuật mới tiên tiến hơn. Hiện nay, Hàn Quốc đang tăng cường về đổi mới công nghệ thông qua việc bảo vệ và ứng dụng nguồn lực này. Theo Ông Yoon, Hak – Soo, Chủ tịch Hiệp hội công nghệ mới Xây dựng – Giao thông Hàn Quốc, bước vào thế kỷ 21, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao. Nếu Việt Nam cũng ứng dụng và phát triển kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài, thì cũng có thể xây dựng thành công một nền kinh tế sáng tạo thông qua việc đổi mới công nghệ trong nước. Thông qua hội thảo lần này, ông Yoon, Hak – Soo mong muốn tăng cường sự giao lưu hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ về xây dựng hạ tầng giao thông, cũng như đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác để những công nghệ mới, sản phẩm mới của các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tham gia vào thị trường Việt Nam. Ông Yoon, Hak – Soo cho biết thêm, khởi đầu với việc Công ty công nghiệp DeaLim nhận đơn đặt hàng công trình xây dựng móng cầu cảng Rạch Giá vào năm 1966 với quy mô là 876.000USD. Đến năm 2014 đã nhận được đơn đặt hàng từ 51 doanh nghiệp, 236 công trình với tổng cộng là 1 tỷ 970 triệu USD tại Việt Nam. Gần đây, ngoài các công trình đô thị mới và khu dân cư, Hàn Quốc đang triển khai các hoạt động nhận đơn đặt hàng công trình đường cao tốc Cảng hàng không mới Tp.HCM, công trình xây dựng xí nghiệp DAP và nhà máy điện Hải Phòng, công trình phân bón ở Cà Mau với quy mô 2,8 tỷ USD.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe 8 doanh nghiệp của Hàn Quốc giới thiệu một số những công nghệ mới, tiêu biểu như Hệ thống khe co giãn sử dụng trong cầu đường; Công nghệ thi công dầm bê tông tổ hợp dạng vòm liên tục. Công nghệ này tạo ra dầm mặt cắt thay đổi ở phía dưới hộp thép bằng cách đặt dầm chữ U đã đổ vòm bê tông lên trên dầm chữ I; Hệ thống neo mặt đất kiểu mới tăng tối đa ứng suất và nhờ vào đầu neo mỏ rộng và tấm bản mã chịu lực trên mặt đất nền yếu, đá cứng; Cầu, hệ dầm cầu PSC, PSC beam, dầm bê tông cốt thép; Phương pháp lắp đặt cốt thép chịu độ bền cắt hình xoắn ốc để nâng cao hiệu quả chịu lực cắt của cấu trúc tấm phẳng; Phương pháp lắp thanh giằng bằng ống thép dạng tròn để chống đỡ tường chắn đất; Công nghệ thi công cầu cáp căng dây băng sử dụng các tấm bê tông đúc sẵn liên kết bởi cáp căng neo đất không trụ đỡ; Phương pháp thi công lợp tấm bê tông chống xói mòn, chống sạt lở đáy hoặc sườn dốc của sông ngòi, kênh rạch, trụ cầu, càng,…

Hội thảo là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận các công nghệ mới của Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông vận tải cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bởi đây là các công nghệ đã được kiểm chứng thực tế, giá thành hợp lý, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đổi mới công nghệ, đưa nhanh các công nghệ tiên tiến vào ứng dụng, trong dịp này, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM và Hiệp hội Công nghệ mới xây dựng-giao thông Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp triển khai ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Đây là bước khởi đầu để hai bên hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện những vấn đề nghiên cứu, trao đổi công nghệ trong lĩnh vực xây dựng.

Đây là hoạt động thường niên của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm công nghệ tiên tiến, công nghệ mới từ nước ngoài. Từ những hoạt động kết nối cung – cầu như thế này, SATI từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác các công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới để  thích nghi, làm chủ và đổi mới công nghệ góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong chuỗi các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, nhân dịp này ngày 10/5/2015, lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tham dự Lễ khai mạc Triển lãm công nghiệp Việt Nam 2015 tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai giới thiệu các công nghệ từ Hàn Quốc, Singapore và CH Séc.

Hôm nay, ngày 11/6/2015, tại Vũng Tàu đoàn doanh nhân Hàn Quốc sẽ giới thiệu công nghệ và làm việc với Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco), doanh nghiệp KHCN, đơn vị anh  hùng lao động về kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ trong tương lai.

 

                                                        
                                                                            Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khai mạc Hội thảo

 

                                                  
            Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp triển khai ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp giữa Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM và Hiệp hội Công nghệ mới xây dựng-giao thông Hàn Quốc.

                                            

                            Thứ trưởng Bộ KH&CN trả lời phỏng vấn VTV về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ.​ 

Ngô Anh Văn

Bài viết liên quan

Website Liên kết