Thứ Bảy, 27 Tháng Tư 2024

Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Ngày 04/6/2020, tại Hà Nội, Chi bộ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Phạm Gia Chương - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ KH&CN và đồng chí Trần Đức Trung - Phó Chánh Văn phòng Đảng Đoàn thể Bộ KH&CN.

Ngày 04/6/2020, tại Hà Nội, Chi bộ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Phạm Gia Chương - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ KH&CN và đồng chí Trần Đức Trung - Phó Chánh Văn phòng Đảng Đoàn thể Bộ KH&CN.

Trong nhiệm kỳ 2015 -2020 Chi bộ Cục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra là lãnh đạo, chỉ đạo công việc chuyên môn của Cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ngoài việc Lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn, Chi bộ Cục cũng đã ra cũng hoàn thành tốt các chỉ tiêu của đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, trong đó có chỉ tiêu về xây dựng và triển khai các văn bản pháp luật, phát triển đảng viên mới, Chi bộ Cục đã phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp được 06 đảng viên mới trong đó có 02 nữ. Đến nay, Chi bộ Cục có 20 đảng viên với 19 đảng viên chính thức, 01 đảng viên dự bị (03 đảng viên lãnh đạo Cục, 07 đảng viên lãnh đạo cấp phòng và 08 đảng viên nữ).

Chi ủy và Chi bộ đã chủ động và thường xuyên ưu tiên công tác quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn kiện và chỉ đạo của Đảng (nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…), nắm bắt tư tưởng của Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động  trong Cục để định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhờ đó đã tạo được sức mạnh tập thể và phát huy vai trò cá nhân trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên trong cán bộ, đảng viên trong Chi bộ và được coi như tiêu chí đánh giá năng lực phẩm chất đảng viên.

Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị, Chi ủy Cục đã tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng nhằm phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cơ quan trong mọi hoạt động, Chi bộ đã lãnh đạo tốt công tác chính trị tư tưởng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công trên cả 2 lĩnh vực xây dựng và triển khai các hoạt động chuyên môn của Cục:

Ảnh: Cục trưởng Tạ Việt Dũng đọc báo cáo Đại hội

Trong công tác tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước giai đoạn 2015 - 2020, Chi ủy Cục đã tham mưu để Cục phối hợp xây dựng 01 Luật và 01 Nghị định; chủ trì xây dựng 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư và nhiều văn bản pháp luật khác của Bộ trưởng trong lĩnh vực được giao.

Cục đã hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng bản đồ công nghệ cho 11 nhóm ngành, sản phẩm giúp Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia xác định, đề xuất ra các chương trình R&D để nghiên cứu, làm chủ công nghệ; hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ để phát triển một số sản phẩm ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; phối hơp với Vụ CNN đưa một số nội dung của bản đồ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy nông nghiệp vào chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025.

Phối hợp cùng Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia quản lý, hướng dẫn và triển khai thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020: Chương trình đã triển khai 47 nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi trên tổng số gần 300 đề xuất từ các Bộ, ngành, địa phương với tổng mức kinh phí gần 1.352 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 430 tỷ đồng, tỷ lệ doanh nghiệp được nhận hỗ trợ chiếm 68%. Chương trình đã hoàn thành báo cáo kết quả và nghiệm thu được là 22 nhiệm vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các dự án đã giúp tạo ra sản phẩm mới, gia tăng giá trị của sản phẩm truyền thống như cá tra, dừa, lúa gạo. Trong lĩnh vực công nghiệp, Chương trình đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ứng dụng IoT để nâng cao năng suất, chất lượng. Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng gấp 2,4 lần, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên gấp khoảng 2 lần.

Nhằm thực hiện một cách hệ thống, bài bản và dài hạn vai trò quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phát hiện, hướng dẫn và giải quyết bài toán cung - cầu công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào các chương trình, dự án hỗ trợ chuyển giao, phát triển, kết nối đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong và ngoài nước, giai đoạn 2015 - 2020, thông qua các hoạt động đổi mới mô hình tổ chức, Cục đã thực hiện điều tra khảo sát và tổ chức 04 kỳ hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ tại các vùng trên cả nước đã lựa chọn và giới thiệu 1560 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN các tỉnh/thành phố, các nhà sáng chế không chuyên; Hỗ trợ kết nối 47 hợp đồng hợp tác và chuyển gia công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết hơn 1496 tỷ đồng; Thông qua hoạt động giới thiệu, trình diễn tại các gian hàng, các doanh nghiệp tham gia đã mở rộng được thị trường, sản phẩm hàng hóa do đổi mới công nghệ tạo ra[1]. Bên cạnh đó là chuỗi các Hội thảo, Diễn đàn về xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ, tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc đàm phán, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của địa phương[2]. Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ, nguồn cung, nhu cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, đã cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho 31 Sở KH&CN/Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương, 03 trường đại học và 07 Điểm kết nối cung cầu công nghệ trên cả nước để cùng khai thác, sử dụng. CSDL hiện nay được cập nhật gần 2300 công nghệ (trong đó có trên 300 công nghệ nước ngoài); dữ liệu gần 10.000 doanh nghiệp để phục vụ kết nối chuyển giao công nghệ; dữ liệu về 300 chuyên gia công nghệ các ngành lĩnh vực. Hiện nay, dữ liệu công nghệ đã được đăng tải trên website của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (www.sati.gov.vn) và đã có trên 22.000 lượt truy cập, tìm kiếm.

Để giúp các địa phương tư vấn, kết nối và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chuyên gia, các công nghệ mới,... đáp ứng nhu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020, Cục đã phối hợp với một số Viện Nghiên cứu, Trường Đại học và các địa phương trên cả nước để hình thành, tư vấn hỗ trợ xây dựng, hướng dẫn vận hành, hỗ trợ cài đặt phần mềm và đưa vào hoạt động thí điểm 09 Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội (2 điểm), tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk, Cần Thơ, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng hợp kết quả từ 09 Điểm kết nối cung cầu cho thấy: Đã tổ chức trên 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung cầu, thu hút trên 5.000 lượt khách tham quan; Giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN; Ký kết thành công hơn 10 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Trung tâm.


Ảnh: Toàn cảnh Đại hội

Hỗ trợ hoạt động các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương: Cục đã tham mưu LĐB hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng cho các Trung tâm, làm việc trực tiếp với Lãnh đạo UBND, Tỉnh ủy để tháo gỡ, giải quyết cho một số địa phương (Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Sơn La,...) giãn hoãn hoặc dừng việc cổ phần hóa; Tổ chức thành công 05 Hội nghị quy mô quốc gia về hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng (tại Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ và Gia Lai); Tổ chức tập huấn hàng năm cho các Trung tâm với trên 1000 lượt học viên.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Chi bộ Cục sẽ tập trung vào việc lãnh đạo đơn vị và các đoàn thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Quyết tâm giữ vững danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp và dân chủ hoá trong đơn vị; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn để xây dựng đơn vị ngày càng phát triển.

Ảnh: Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ KH&CN Phạm Gia Chương và Phó Chánh Văn phòng Đảng Đoàn thể Bộ KH&CN Trần Đức Trung tặng hoa chúc mừng Chi ủy mới nhiệm kỳ 2020-2025.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chi bộ Cục trong giai đoạn 2015-2020, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ KH&CN Phạm Gia Chương cho biết, thành công của Chi bộ Cục trong giai đoạn vừa qua đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của Bộ KH&CN. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư thường trực Phạm Gia Chương đề nghị Đại hội cần thảo luận để làm rõ những nguyên nhân thành công và hạn chế. Trong nhiệm kỳ mới, Chi bộ cần tiếp tục củng cố nâng cao tổ chức Đảng, nâng cao vai trò cán bộ đảng viên, tăng cường kiểm tra giám sát, xây dựng hoàn thiện quy chế làm việc...

Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội, bầu Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên; bầu đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2020-2025.

 

[1] như trong năm 2019, Công ty cổ phần gạch ngói Đất Việt đã kết nối được 01 Nhà phân phối Cấp 1 tiêu thụ sản phẩm Gốm Đất Việt trên địa bàn Pleiku; giới thiệu được trên 10 khách hàng về cho Nhà phân phối để cung cấp sản phẩm và có 06 nhà cung ứng vật liệu xây dựng đã liên hệ để làm nhà phân phối trên địa bàn.

[2] như công nghệ bảo tồn và nhân giống các giống cây dược liệu quý và công nghệ tinh chiết dầu dược liệu của Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ KH&CN; Công nghệ sàn nhẹ SPAN (công nghệ sàn bóng, công nghệ sàn hộp), cốp pha nhựa khung thép SPAN của Công ty Cổ phần Thiết kế và Phát triển Công nghệ Xây dựng SPAN - tỉnh Quảng Ninh; Công ty Khang Thịnh với công nghệ tưới thông minh của Israel; Công nghệ nuôi cấy mô sâm của Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam…

Bài viết liên quan

Website Liên kết