Chủ Nhật, 05 Tháng Năm 2024

Thêm nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc

Sáng 11/12 vừa qua, tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Cục Công nghệ Séc (TACR) và Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (SATI) đã tổ chức buổi Hội thảo về ứng dụng và phát triển công nghệ Séc – Việt Nam.

Sáng 11/12 vừa qua, tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Cục Công nghệ Séc (TACR) và Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (SATI) đã tổ chức buổi Hội thảo về ứng dụng và phát triển công nghệ Séc – Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của ông David Jarkulisch, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Petr Matolín, đại diện Cục Công nghệ Cộng hòa Séc và bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (SATI) cùng sự tham dự của nhiều doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông David Jarkulisch cho rằng: Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và phát triển ứng dụng là một phần rất quan trọng trong quan hệ Séc – Việt. Các cơ quan chức năng của hai nước chịu trách nhiệm triển khai chính sách quốc gia về nghiên cứu ứng dụng, phát triển và đổi mới chính thức bắt đầu hợp tác từ năm 2013 và kể từ thời điểm đó đã có nhiều dự án chung đã được triển khai thành công. Đổi mới là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế của cả hai nước chúng ta đều có nhu cầu đổi mới công nghệ riêng nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững dài hạn. Ông David Jarkulisch cũng nhấn mạnh sẽ cùng dốc sức để tìm kiếm những dự án chung mới trong đổi mới và phát triển công nghệ.

tacr - sati - dai su quan ch sec

Ông David Jarkulisch, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Lan Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) cho biết từ năm 2014, đơn vị này đã hợp tác với Cục Công nghệ Cộng hòa Séc (TACR) để triển khai kêu gọi đề xuất các dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển thử nghiệm chung giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc trong khuôn khổ Chương trình Delta. Với nội dung Chương trình này, các tổ chức/doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn tài trợ cho các Dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển thử nghiệm chung giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thông qua Chương trình DELTA của Cộng hòa Séc và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia của Việt Nam nhằm tạo ra một kết quả nghiên cứu mới hoặc mở rộng phạm vi nghiên cứu và quan hệ đối tác dựa trên công nghệ và kinh doanh giữa hai nước.

tran thi hong lan sati cuc ung dung va phat trien cong nghe

Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI).

Các lĩnh vực ưu tiên của Chương trình gồm: Công nghệ nano và các vật liệu tiên tiến; Công nghệ sinh học và y dược; Công nghệ trong nông nghiệp và thủy sản; Công nghệ thông tin và truyền thông; Các lĩnh vực khác theo nhu cầu chung của cả hai bên.

Cũng theo bà Lan, các kết quả của Dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển thử nghiệm chung sẽ góp phần vào việc phát triển các sản phẩm thương mại, quy trình hoặc các dịch vụ kỹ thuật. Dự án cần phải mang lại được những lợi ích và giá trị gia tăng nhất định từ sự hợp tác giữa các đơn vị tham gia của hai bên (ví dụ như: gia tăng các cơ sở tri thức, nhu cầu thương mại, tiếp cận cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển, các lĩnh lực ứng dụng mới, v.v…).

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi cho các đơn vị liên quan. Trong đó tập trung vào vấn đề ưu đãi dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hợp tác, nguồn vốn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí chế tạo…

sati tacr delta 2 program

Quang cảnh hội thảo.

Theo thông tin từ ông Petr Matolín - Trưởng phòng Phát triển và quản lý dự án, Cục Công nghệ Cộng hòa Séc, tiếp nối thành công của DELTA 1 trong thời gian qua, chương trình DELTA 2 sẽ tiếp tục triển khai từ 2019 - 2025, với Việt Nam là một trong những đối tác chính và ưu tiên của chương trình. Dự kiến DELTA 2 sẽ bắt đầu tiếp nhận đề xuất dự án từ tháng 6/2019 tới đây, với mức hỗ trợ tối đa 132.000 USD (25 triệu CZK) cho mỗi dự án được xét duyệt thành công. Các đơn vị, doanh nghiệp hai nước quan tâm đến DELTA 2 có thể liên hệ thông qua SATI và TACR để được hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu đối tác, cũng như tham gia các buổi gặp mặt, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ chương trình./

Theo KD&PT

Bài viết liên quan

Website Liên kết